Mẫu Sơn khát vọng thoát nghèo
10:14 AM 18/09/2012 | Lượt xem: 2076 In bài viết |Xe chúng tôi chạm con dốc đầu tiên thì phải dừng lại vì đường đi rặt những bãi lầy, ổ gà ổ voi. Thế mà mới chỉ cách đấy vài giờ, anh cán bộ xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình quả quyết với tôi: “Xe con đi được”. Đến nơi rồi anh mới cười hề hề: “Muốn nhà báo lên chơi nên nói thế”. May mà chúng tôi có phương án dự phòng nếu không chắc mấy anh em đã phải đứng đường.
Trưa Mẫu Sơn yên ắng đến lạ, tiếng động rõ nhất là tiếng vi vu của gió qua kẽ lá thông. Quá trưa nhưng các cán bộ Ủy ban vẫn chờ chúng tôi. Người đầu tiên tôi tiếp chuyện là chị Dương Thị Minh, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế. Chị em vừa kịp chào nhau xong chị Minh đã tâm sự: “Chị xấu hổ quá, hôm nọ có phóng viên ở tận Trung ương lên viết bài về Mẫu Sơn mà lại nói xã thoát nghèo rồi. Thế mà xã lại là một trong những xã nghèo nhất huyện, buồn quá!”. Và câu chuyện về Mẫu Sơn từ đó cứ xoay quanh chuyện thoát nghèo. Toàn xã có 8 thôn thì cả 8 thôn đều là thôn nghèo. Toàn xã có 286 hộ thì có tới 142 hộ nghèo. Đồng bào Dao chiếm đa số nhân khẩu. Với Mẫu Sơn khó khăn nhất vẫn là con đường, đường lên xã thì tạm ổn nhưng đường vào các thôn còn quá vất vả. Hạ tầng kém dẫn đến phát triển kinh tế cũng bấp bênh. Toàn xã có tầm trên 40 ha đất ruộng, phân thành hàng trăm mảnh nhỏ. Những thôn trung tâm làm lúa giỏi mỗi năm cũng chỉ đủ ăn 10 tháng, còn lại vẫn phải trông vào ngô, các sản phẩm phụ. Mà sản phẩm phụ ở đây chỉ có nấu rượu và những sản vật từ rừng. Nghe chị Minh nói, tôi lại nhớ đến hình ảnh mùa giáp hạt bà con Mẫu Sơn chặt những cây trúc bó thành chổi mang xuống chợ bán. Mỗi cái chổi lòe xòe như đuôi công được khoảng 10 ngàn đồng. Đặc sản của cả xã là rượu, thời gian gần đây rượu Mẫu Sơn bị pha tạp, bị tư thương làm giả nên cái nghề “gia bảo” ở đây đang bị lung lay.
Anh Triệu Tiến Liên, Phó Chủ tịch xã cho biết, xã cũng tuyên truyền tăng chăn nuôi giảm trồng trọt, nhưng nuôi lợn ở đây chỉ như đồng tiền bỏ ống. Trong cái khó ấy dịp may đã đến với Mẫu Sơn khi có dự án trồng rừng phòng hộ biên giới, dự án 661. Từ chỗ chưa biết trồng rừng, người dân đã nhận khoán và trồng hàng trăm ha rừng. Dự án đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Tuy nhiên chỉ trồng vài năm, đất rừng cũng chẳng còn là bao. Theo chúng tôi được biết, diện tích đất trống đồi núi trọc ở Mẫu Sơn rất ít, chủ yếu là rừng phòng hộ và khoanh nuôi. Rừng sản xuất ít, vì thế số hộ dân thu nhập được từ rừng khá hiếm. Vậy là hướng đi đúng nhưng chưa thể thực thi có hiệu quả. Theo chị Minh, bà con mong muốn Nhà nước sớm quy hoạch lại rừng, tăng diện tích rừng sản xuất để làm giàu bền vững.
Theo Báo Điện tử Lạng Sơn