Tạo động lực cho vùng cao phát triển

10:37 AM 12/06/2013 |   Lượt xem: 1754 |   In bài viết | 

Sau khi Đề án 30a ở Trạm Tấu được phê duyệt và phân bổ kinh phí, huyện Trạm Tấu đã thành lập Ban chỉ đạo và triển khai thực hiện một cách quyết liệt. Công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng, các cơ chế, chính sách của Đề án được coi trọng, tạo sự đồng thuận và phối hợp giữa người dân với các cơ quan chức năng nên các dự án triển khai đều thuận lợi, mang lại hiệu quả thiết thực. Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng huyện, từ năm 2009 đến nay, tổng nguồn vốn Chương trình 30a đã thực hiện 127 tỷ đồng, Trạm Tấu đã giải ngân 111 tỷ đồng xây dựng mới 30 công trình giao thông, thủy lợi, nước sạch.

Trong đó, có 6 công trình đường giao thông: đường đến trung tâm xã Pá Hu, đường đến trung tâm xã Bản Mù, tuyến đường Túc Đán - Pá Lau, tuyến đường Bản Mù - Làng Nhì, đường xã Làng Nhì, đường Bản Công - Sán Trá... Các tuyến đường cơ bản đã hoàn thành, phục vụ tốt nhu cầu đi lại giữa các vùng miền và giao thương, phát triển kinh tế - xã hội vùng cao.

Đặc biệt, với địa hình phức tạp, giao thông rất khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, độ dốc cao nên thủy lợi có vai trò quyết định trong sản xuất nông nghiệp, Ban chỉ đạo huyện đã nghiên cứu kỹ thực tế, ưu tiên giải ngân nguồn vốn 30a vào lĩnh vực thủy lợi để thâm canh tăng vụ, khai hoang ruộng nước cho người dân. Trước đây, sau vụ thu hoạch ngô, lúa, đất nương rẫy thường bỏ hoang vì thiếu nước tưới. Những năm gần đây, từ nguồn vốn của Chương trình 30a, các xã khó khăn nhất của huyện đều được đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi.

Gần 4 năm qua, Trạm Tấu đã tập trung xây dựng, nâng cấp thêm 17 công trình thủy lợi tại các thôn Tà Xùa (xã Bản Công), Mù Cao, Mông Xi, Mảnh Tàu (xã Bản Mù), Chống Tàu (xã Làng Nhì), Chống Chùa (xã Tà Xi Láng), Pa Te (xã Túc Đán), Két Lin, Tà Xi (xã Hát Lừu)... giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây khai hoang hàng chục héc-ta ruộng nước, thâm canh tăng vụ đông, trồng lúa, ngô, đậu tương và các loại rau màu, tăng thu nhập cho hộ gia đình, góp phần đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ và hướng tới sản xuất hàng hóa để xóa nghèo bền vững.

Dẫn chúng tôi vào thôn Háng Xê thị sát tuyến mương thủy lợi Háng Xê A, xã Xà Hồ, Phó trưởng Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Trạm Tấu Hoàng Đức Nghinh phấn khởi cho biết: "Công trình thủy lợi Háng Xê A được thi công đầu năm 2013, có tổng giá trị đầu tư trên 4,8 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Khi hoàn thành cùng với đập đầu mối và tuyến kênh dẫn bê tông dài gần 2km vượt qua địa hình khúc khuỷu dẫn nước từ trên khe núi về các tràn ruộng sẽ đảm bảo đủ nước tưới cho 10ha lúa đồng thời phục vụ khai hoang thêm 5ha ruộng nước của xã Xà Hồ".

Mặc dù thi công trong điều kiện khó khăn phải vận chuyển nguyên vật liệu bằng xe máy nhưng Công ty TNHH Xây dựng Phúc Thành đang đẩy nhanh tiến độ thi công 300m tuyến kênh dẫn, cầu máng, phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 6 này.

Anh Nghinh cũng cho biết thêm, năm nay, Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng huyện tiếp tục bố trí nguồn vốn đầu tư mới 6 công trình đường giao nông thôn, công trình thủy lợi tại các xã Xà Hồ, Hát Lừu, Bản Công, Trạm Tấu. Những công trình này đã được khởi công và đang đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ đề ra.

Cùng với Chương trình 30a của Chính phủ, huyện Trạm Tấu còn triển khai thực hiện các chính sách lồng ghép nguồn vốn Chương trình 134, Chương trình 135 giai đoạn 2, các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Các nguồn lực đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, hộ nghèo làm nhà ở, lương thực, vật tư nông nghiệp, máy cơ khí nhỏ, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, đào tạo nghề, trang bị kiến thức khuyến nông, xuất khẩu lao động... để tăng thu nhập.

Nguồn vốn 30a và các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo được đầu tư trực tiếp tại các xã trên địa bàn huyện đã thật sự tạo động lực đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững cho huyện vùng cao Trạm Tấu. Bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa khởi sắc rõ nét, đời sống hàng ngày của người dân được cải thiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai xây dựng các công trình thủy lợi, đường giao thông triển khai còn chậm do khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn vốn; một số dự án, công trình chưa phát huy được hiệu quả, gây lãng phí. Thực tế hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng cao Trạm Tấu còn quá cao, năm 2012 là 72,3% (theo tiêu chí mới), điều kiện giao thương, phát triển hàng hóa còn hạn chế, thu nhập của người dân thấp, đời sống còn nhiều khó khăn.

Đặc biệt, ở vùng núi thường hay bị thiên tai như sạt lở đất, lũ quét, đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn về nước sinh hoạt, thuốc chữa bệnh. Vì vậy rất cần Nhà nước tiếp tục quan tâm và có những giải pháp mạnh, hiệu quả, giúp đồng bào phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, giảm dần khoảng cách so với mặt bằng chung cả nước.

Q.N (Nguồn: Báo Yên Bái)