Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 7: Nhiều tác phẩm viết về vùng dân tộc miền núi đạt giải cao
02:12 AM 20/06/2013 | Lượt xem: 1860 In bài viết |Trong đó, điểm mới nổi bật nhất là cơ cấu giải được mở rộng
từ 8 lên 11 loại giải. Theo đó, ảnh báo chí điện tử, lần này được tách thành 2
giải riêng (các năm trước gộp chung vào thể loại báo in). Một số thể loại trong
cơ cấu giải cũng được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Số lượng tác phẩm tăng
nhiều, đã có 1.540 tác phẩm của 146 đơn vị, trong đó có 59/63 Hội Nhà báo tỉnh,
thành phố, 56 liên chi hội, chi hội cơ quan báo chí Trung ương gửi về tham dự
giải. Đây là năm có số lượng tác phẩm dự Giải cao nhất từ mùa giải đầu tiên
(2006) đến nay.
Xét về nội dung, năm nay báo chí đi vào phản ánh đầy đủ, trung thực tình hình
kinh tế xã hội, những chủ trương của Đảng, giải pháp của Chính phủ, sự vào cuộc
quyết liệt của cả hệ thống chính trị khắc phục những khó khăn yếu kém, những
sinh hoạt chính trị lớn, như thực hiện chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Học tập
và làm theo tấm gương đạo đức HCM”, Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề
cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, vấn đề biên giới, chủ quyền biển đảo, phong
trào xây dựng nông thôn mới, đi sâu phân tích, phản ánh những thực tế sinh động
nỗ lực thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, giải pháp của
Chính phủ về phát triển kinh tế- xã hội, giữ gìn an ninh, quốc phòng, thành tựu
xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa…
Về đề tài miền núi và dân tộc thiểu số, ông Hà Minh Huệ cho hay, số lượng tác
phẩm gửi về dự Giải cũng nhiều hơn. Xét về nội dung và chất lượng, mọi năm đề
tài về miền núi gửi dự thi cũng có, nhưng hạn chế phản ánh sự khuôn sáo, chủ yếu
dừng ở chỗ phản ánh đời sống hoạt động sinh hoạt của đồng bào. Nhưng năm nay,
tác phẩm viết về miền núi, về dân tộc thiểu số gửi tham gia giải có cả người tốt
việc tốt, phản ánh mặt tích cực, đấu tranh với những mặt trái, cả những vấn đề
bức xúc, vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế- xã hội… Tác phẩm tham gia Giải
cũng đa dạng hơn về thể loại, bao gồm cả: báo viết, báo nói, báo hình, báo ảnh
và báo điện tử. Đã có khá nhiều tác phẩm hay, khá hấp dẫn, mô tả lại cuộc sống
của người miền núi, vùng cao trong thời kỳ hội nhập, ví như mô tả phát triển du
lịch, dịch vụ chuyển biến ra sao. Cũng có tác phẩm nói về tinh thần xung phong,
tình nguyện của thanh niên lên giúp đỡ hỗ trợ vùng cao, miền núi...
Chính vì vậy, khá nhiều tác phẩm phản ánh đề tài miền núi và dân tộc đã được
giải và giải cao. Ví như: tác phẩm “Động đất ở thủy điện sông Tranh “dư chấn
lòng dân” của Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực miền Trung đã
đạt giải A về Phóng sự, phóng sự điều tra (Phát thanh). Đạt giải B thể loại
phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (Báo điện tử) thuộc về tác
phẩm “Thảm họa La Pán Tẩn- Cân quặng mạng người” của nhóm tác giả Báo điện tử
VietnamPlus. Tác phẩm “Bài học từ thủy điện sông Tranh II” của Đài Phát thanh-
Truyền hình Quảng Nam, đã đạt giải B về thể loại tin, phóng sự, ký sự (báo
hình).
Cũng còn khá nhiều tác phẩm được giải nữa, nói về sự vươn lên trong hội nhập của
vùng núi, người dân tộc thiểu số, phản ánh gương người tốt việc tốt một cách
chân thành, giản dị, những gương người dân tộc thiểu số học tập làm theo lời Bác
rất sinh động. Chẳng hạn, tác phẩm: “Lý Phù Sinh- Tâm sáng chí bền” của Đài Phát
thanh- Truyền hình Lào Cai, “Chuyện một người Mông làm theo lời Bác” của Đài
Phát thanh- Truyền hình Nghệ An; Tác phẩm “Nỗi đau từ rượu” của Đài Phát thanh-
Truyền hình tỉnh Yên Bái, phản ánh về hủ tục vùng cao… cũng được trao giải giải
C và giải Khuyến khích.
Xuân Phú