Hỗ trợ đồng bào Khmer thoát nghèo
04:37 AM 06/08/2013 | Lượt xem: 2672 In bài viết |Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Toàn tỉnh hiện có trên 400.000 đồng bào dân tộc Khmer, chiếm gần 31% dân số toàn tỉnh. Trong số 109 xã, phường, thị trấn, có trên 80 xã, phường, thị trấn có đông đồng bào Khmer, trong đó có 39 xã đặc biệt khó khăn và 33 xã khu vực II với 98 ấp đặc biệt khó khăn.
Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào
dân tộc, những năm gần đây, Sóc Trăng đã làm tốt việc hỗ trợ, tạo điều kiện giúp
bà con xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống. Nhiều chủ trương, chính sách đã
được tỉnh triển khai tích cực, trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao
thông vận tải, giáo dục, y tế. Tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện tốt các quyết định
như: Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg về hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và
giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; Quyết định số
167/2008/QĐ-TTg về hỗ trợ xây nhà ở; Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg về việc cho
vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó
khăn; Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân
thuộc vùng khó khăn và Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg về chính sách cho người có
uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai hỗ trợ nhà ở cho
hộ Khmer nghèo, sau hơn 3 năm thực hiện, tỉnh đã hoàn thành và bàn giao được gần
30.000 căn nhà với kinh phí trên 550 tỷ đồng cho các hộ nghèo, chủ yếu là hộ
Khmer. Triển khai chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và hỗ trợ đào tạo nghề
cho hộ Khmer khó khăn, đến nay tỉnh đã hỗ trợ cho đồng bào trên 250 tỷ đồng;
trong đó có gần 3.000 hộ được hỗ trợ đất ở, 2.500 hộ được hỗ trợ đất sản xuất và
gần 50.000 lao động được hỗ trợ đào tạo nghề hoặc hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề,
mua nông cụ sản xuất.
Với các xã đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào Khmer ở Sóc Trăng mỗi năm đều
được đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình 135, chương
trình xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ việc làm, trợ giá trợ cước với số tiền trên 1
tỷ đồng. Nhờ vậy kết cấu cơ sở hạ tầng nông thôn của vùng đồng bào dân tộc, vùng
sâu, vùng xa của tỉnh Sóc Trăng đã được đầu tư khá tốt, điện, đường, trường học,
trạm y tế... ngày càng khang trang. Nhiều công trình dân sinh đã phát huy tác
dụng, tạo điều kiện cho bà con mở rộng sản xuất. Sóc Trăng cũng thực hiện tốt
công tác tuyên truyền, phổ biến, rà soát, lập danh sách những đối tượng được thụ
hưởng chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân ở vùng khó khăn, bảo đảm công
khai, dân chủ. Tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện và lồng ghép với các
chính sách an sinh xã hội khác, tạo điều kiện cho hộ nghèo có vốn phát triển sản
xuất, cải thiện đời sống. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ trên 750.000 lượt
người dân, với tổng kinh phí trên 70 tỷ đồng.
Đánh giá về việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên
địa bàn tỉnh, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer, ông Dương Sà Kha, Trưởng ban
Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện,
nên tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh đã giảm nhanh, còn khoảng 19%. Riêng đồng bào
Khmer, tỷ lệ này còn khoảng 28%, trung bình mỗi năm có thêm khoảng 2.500 hộ
Khmer thoát nghèo. Từ các mô hình kinh tế, chuyển giao kỹ thuật, nhiều hộ đồng
bào dân tộc Khmer có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hiện 90% số hộ Khmer
của tỉnh đã được sử dụng điện; trên 63.000 hộ Khmer được sử dụng nước sinh hoạt
hợp vệ sinh (chiếm trên 70%). Công tác chăm sóc sức khỏe, y tế cộng đồng ở vùng
đồng bào Khmer được tỉnh đặc biệt quan tâm. Công tác phòng chống bệnh dịch và
chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo được chú trọng nên đời sống của đồng bào
Khmer nói riêng, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói chung đã
được cải thiện nhanh chóng cả về vật chất lẫn tinh thần.
Bài và ảnh: Trung Hiếu (Nguồn: baotintuc.vn)