Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

03:28 AM 23/08/2013 |   Lượt xem: 3279 |   In bài viết | 

Với những cơ chế, chính sách nhằm tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vùng DTTS. Lãnh đạo Ủy ban đã giao cho Vụ Hợp tác Quốc tế xây dựng đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS”. Để có cái nhìn khái quát về Đề án này phóng viên Cổng Thông tin Điện tử đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Quang Đức, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế về việc triển khai, xây dựng Đề án này.

Phóng viên: Thưa ông, những năm qua các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đã triển khai nhiều gói hỗ trợ, đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam. Ông có đánh giá như thế nào về vấn đề này? Kết quả bước đầu đạt được từ các nguồn vốn đó như thế nào?


Ông Nguyễn Quang Đức: Có thể nói rằng trong thời gian vừa qua cùng với sự quan tâm và những chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, nguồn vốn ODA của các nước, các tổ chức quốc tế và các tổ chức Phi chính phủ dành cho Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của cả nước nói chung và khu vực đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa nói riêng.


Việc sử sụng vốn ODA trong thời gian qua về cơ bản là đúng chỗ và hiệu quả; chúng ta đã giành khoảng 50% trong tổng nguồn vốn ODA cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, đặc biệt là cho phát triển hệ thống giao thông và năng lượng; khoảng 13% sử dụng phát triển nông nghiệp và nông thôn, bao gồm: giao thông, mạng lưới điện nông thôn, thủy lợi, nước sinh hoạt và phát triển sản xuất như trồng và chế biến nông lâm sản... khoảng 12% đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, vệ sinh môi trường và khoa học - công nghệ... Nhờ đó mà bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi được khang trang hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ đói nghèo đã giảm so với trước đây.


Tuy nhiên việc thu hút, triển khai thực hiện các dự án tại các vùng đồng bào DTTS cũng còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc như: thông tin về nhu cầu đầu tư phát triển cho vùng DTTS chưa kịp thời; thủ tục hành chính còn rườm rà phức tạp; công tác quản lý dự án chưa hiệu quả; vốn đối ứng thấp; giải phóng mặt bằng chậm; điều kiện giao thông khu vực miền núi còn gặp nhiều khó khăn; nguồn nhân lực ở vùng DTTS phục vụ dự án thiếu; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp còn thiếu chặt chẽ, chưa có sự lồng ghép một cách có hiệu quả thông qua các chương trình... Vì vậy có thể thấy rằng những kết quả đạt được trong thời gian qua chỉ mới ở bước đầu, một phần nguyên nhân là do chưa có các cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích, thu hút đầu tư và sử dụng, quản lý có hiệu quả các nguồn vốn viện trợ.

Phóng viên: Xin ông cho biết mục tiêu cụ thể của Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số” là gì? Tiến độ triển khai, xây dựng đề án hiện nay ra sao?


Ông Nguyễn Quang Đức: Đề án đưa ra một số mục tiêu chính đó là: 


+ Thu hút ít nhất khoảng 02 tỷ USD từ nguồn viện trợ, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho vùng DTTS giai đoạn 2014 – 2020;
+ Sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện một số cơ chế, chính sách và các giải pháp đặc thù trên cơ sở những cơ chế, chính sách, các văn bản pháp luật hiện hành để thu hút đầu tư vào vùng DTTS;
+ Dành khoản kinh phí hợp lý từ ngân sách và các nguồn đóng góp từ cộng đồng, để đáp ứng vốn đối ứng, nhằm thực hiện các hoạt động quản lý, xây dựng dự án, thông tin, tuyên truyền, quảng bá xúc tiến kêu gọi tài trợ.

+ Nâng cao năng lực quản lý, tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc.


Sau thời gian hoàn thiện có sự tham gia trực tiếp của các thành viên Ban soạn thảo, các chuyên gia khoa học, các địa phương, các Tổ chức quốc tế song phương, đa phương và các tổ chức phi chính phủ (NGO) hiện đang hoạt động tại Việt Nam, Thường trực Ban soạn thảo đã chỉnh lý sửa đổi theo quy trình, đến nay đang hoàn thiện lần cuối (lần thứ 7, bao gồm dự thảo Đề án, Tờ trình và Quyết định của Thủ tướng), dự kiến sẽ trình Thủ tướng xem xét phê chuẩn vào cuối tháng 9 năm 2013.

Phóng viên: Thưa ông những giải pháp nào được đưa vào Đề án để thu hút sự quan tâm, hỗ trợ, đầu tư từ phía các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ dành cho vùng đồng bào DTTS của Việt Nam?


Ông Nguyễn Quang Đức: Hiện nay nhóm giải pháp về thủ tục hành chính phức tạp và thời gian phê duyệt dự án chậm trễ, kéo dài được cho là vấn đề nổi cộm có ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng thu hút cũng như hiệu quả đầu tư của các dự án có nguồn vốn viện trợ nước ngoài. Chính vì vậy, Đề án đặc biệt nhấn mạnh tới giải pháp cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy trình liên quan tới vận động, xây dựng, đàm phán, thẩm định, phê duyệt, ký kết và triển khai các dự án quốc tế liên quan tới vùng đồng bào DTTS; đồng thời đẩy mạnh việc phân cấp cho các địa phương trong tiếp nhận các dự án quốc tế, đặc biệt đối với các dự án quốc tế mà nguồn tài trợ đã sẵn sàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và hoạt động của các nhà tài trợ nước ngoài vào vùng đồng bào DTTS. 


Tiếp theo là nhóm những giải pháp tăng cường hợp tác, trao đổi, cung cấp đến các đối tác nước ngoài để họ biết và giúp đỡ, đồng thời cũng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cách thức giữa các Bộ, ngành và địa phương về các hoạt động đối ngoại liên quan đến các chương trình, dự án hợp tác quốc tế, hướng các nguồn viện trợ, vốn vay ưu đãi vào các lĩnh vực và địa bàn cần ưu tiên trong vùng đồng bào DTTS. Và Ủy ban Dân tộc sẽ đóng vai trò là cơ quan đầu mối tổng hợp thông tin từ các Bộ, ngành và các địa phương để cung cấp tới các đối tác nước ngoài quan tâm đến viện trợ cho vùng đồng bào DTTS; tổng hợp và giải quyết các khó khăn, vướng mắc, sau khi có sự thống nhất của các Bộ, ngành liên quan hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định.


Một vấn đề nữa đó là vùng đồng bào DTTS là vùng đặc biệt khó khăn, nên chúng ta rất cần có một số cơ chế đặc thù thông thoáng hơn, cởi mở hơn so với những vùng khác về cơ chế, chính sách tài chính, về đất đai, giải phóng đền bù, tạo quỹ đất sạch, cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng; đồng thời làm tốt công tác quản lý, giữ gìn an ninh, an toàn trật tự xã hội thì các nhà tài trợ mới thật sự quan tâm hợp tác đầu tư, những vấn đề này cũng rất phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta hiện nay.


Ngoài ra Đề án cũng đề cập tới những giải pháp nhằm tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý các chương trình, dự án có nguồn vốn viện trợ nước ngoài; Có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho những cán bộ có năng lực được biệt phái làm việc cho các dự án và đảm bảo được tiếp tục quay trở lại làm việc ở vị trí công tác cũ khi dự án hoàn thành. 


Phóng viên: Xin cảm ơn ông!


Ủy ban Dân tộc tiếp Đại sứ Ai Len tại Việt Nam (Ảnh tư liệu)

Thực hiện: Nhóm Phóng viên