Ngành nông nghiệp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu
02:29 AM 12/09/2013 | Lượt xem: 2834 In bài viết |Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) Cao Đức Phát cho biết, biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ nhất là nông nghiệp.
Biến đổi khí hậu không chỉ liên quan tới cuộc sống của nhiều người dân mà còn dẫn đến cạn kiệt tài nguyên, suy thoái môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Điều này khiến cho sản lượng lương thực có nguy cơ giảm sút lớn và đe doạ tới an ninh lương thực của quốc gia.
Theo báo cáo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNN), việc phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp ở nước ta vẫn còn chiếm tỷ trọng khá cao (trên 43%). Trong khi đó, canh tác lúa nước đóng góp 57,5%, sử dụng đất nông nghiệp chiếm 21,8%, chăn nuôi và chất thải chăn nuôi 11,9%.
Nhận thức rõ tác hại cũng như để nâng cao khả năng giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ NN-PTNT đã có nhiều giải pháp tích cực, trong đó có việc ban hành “Khung chương trình trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành NN&PTNT giai đoạn 2008-2020” ngày 5/9/2008.
Từ đó đến nay, chúng ta đã triển khai được nhiều chương trình mục tiêu như: Xây dựng giải pháp quy hoạch đảm bảo 3,8 triệu ha diện tích đất lúa, trong đó 3,2 triệu ha đất canh tác 2 vụ, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đẩy mạnh ứng dụng công trình khí sinh học với trên 500 nghìn công trình trên toàn quốc, thúc đẩy quy trình VietGAP trong chăn nuôi, đẩy mạnh việc trồng rừng, xây dựng các hệ thống chống ngập úng…
Bộ NN-PTNT cũng đã chỉ đạo các địa phương thực hiện các nhóm giải pháp như tăng cường xây dựng các công trình thủy lợi mới, cải tạo nâng cấp các công trình hiện có để nâng cao năng lực tích trữ nước cho mùa khô hạn, giảm thất thoát nước; xây dựng các công trình kè chống xói lở bờ sông, suối; áp dụng các biện pháp chống xói mòn đối với nương trên đất dốc kết hợp chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với biến đổi khí hậu và điều kiện tự nhiên của mỗi vùng.
Cùng với đó là tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm để trang bị cho nông dân những kiến thức cần thiết về phát triển nông nghiệp. Đẩy mạnh các đề án, hoạt động trồng rừng; khoanh nuôi tái sinh rừng để nâng cao khả năng hấp thụ khí CO2 của thảm thực vật trên địa bàn góp phần giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tiến tới mục tiêu đạt được mục tiêu giảm 20% lượng phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp vào năm 2020./.
Vũ Thành (Nguồn: CPV)