Góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình

09:47 AM 04/10/2013 |   Lượt xem: 1845 |   In bài viết | 

Tại Hội thảo, vấn đề mang thai hộ là một trong số các nội dung mới của Dự thảo được nhiều đại biểu quan tâm góp ý. Ông Võ Văn Thêm - Kiểm sát viên cao cấp, Viện Thực hành quyền công tố và xét xử phúc thẩm (Viện kiểm sát nhân dân Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh) nêu ý kiến: Từ trước đến nay, Luật không cho phép mang thai hộ, nhưng thực tế thì vẫn có những tình trạng đẻ thuê, đẻ mướn. Tôi cho rằng, Dự án Luật cho phép mang thai hộ trong một số trường hợp vì mục đích nhân đạo là cần thiết, nhằm giúp cho những cặp vợ chồng không có điều kiện sinh đẻ có thể có con, phụ nữ bị bệnh tật, cắt tử cung... vẫn được quyền làm mẹ.

 

Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Thêm, Dự luật cần quy định cụ thể những điều kiện kèm theo của việc mang thai hộ này nhằm giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh, chẳng hạn như: Trường hợp chị A thuê chị B đẻ. Như vậy, chị A là mẹ (sinh học) nhưng chị B mới là người mẹ với đúng ý nghĩa là người sinh thành, mang nặng đẻ đau ra đứa trẻ. Nếu trường hợp các bên thỏa thuận được với nhau thì không có vấn đề gì, nhưng nếu sau này, đứa trẻ trở thành người tài giỏi, phát sinh tranh chấp về quyền làm mẹ của chị A, chị B thì giải quyết ra sao? Thực ra, thỏa thuận giữa chị A, chị B về việc mang thai hộ là một giao dịch dân sự nên cần có các quy định chặt chẽ điều chỉnh giao dịch này.

 

Ông Võ Văn Thêm cho rằng, việc cho phép mang thai hộ là cần thiết nhưng phải quy định các điều kiện chặt chẽ hơn, không nên chung chung.

 

Đồng tình với ông Võ Văn Thêm, luật sư Trương Thị Hòa - Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, quyền và nghĩa vụ của người mang thai hộ có liên quan đến nhiều quy định khác, cụ thể là Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội. Trường hợp người mẹ mang thai hộ, cũng được xem là lao động có thai, thì có được hưởng đầy đủ chế độ lao động áp dụng đối với lao động đang mang thai hay không? Người mang thai hộ khi sinh con thì có được nghỉ 6 tháng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội như những người mẹ bình thường khác hay không, nếu sinh con xong không nuôi mà giao cho người mẹ di truyền (lấy trứng để thụ tinh) nuôi con?... Luật sư Hòa cho rằng, nếu cho phép mang thai hộ thì những vấn đề trên cần quy định hết sức cụ thể, chi tiết.

 

Còn Thẩm phán Võ Văn Cường (Tòa phúc thẩm tòa án nhân dân Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh) băn khoăn với việc Dự án Luật lần này có quy định về chế độ ly thân của vợ chồng trước khi chính thức ly hôn. Theo ông Võ Văn Cường, đây là quy định mới của Dự án Luật, nhưng quy định này không mới vì nhiều nước trên thế giới cũng có áp dụng. Tuy nhiên, nếu Luật cho ly thân thì việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình ly thân ra sao cũng phải hết sức chặt chẽ, chi tiết như: Con sinh ra trong thời kỳ ly thân thì sao? Tài sản hình thành trong quá trình ly thân được xem là của riêng vợ chồng hay của chung?... Nếu các vấn đề phát sinh trên chưa có hướng giải quyết cụ thể thì không nên quy định chế định ly thân vì sẽ gây rắc rối cho cơ quan pháp luật trong giải quyết ly hôn.

 

Một điểm sửa đổi của Dự án Luật cũng khiến nhiều đại biểu quan tâm bàn luận là về quy định áp dụng tập quán hôn nhân và gia đình. Theo Điều 6 Dự án Luật, có hai trường hợp áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình: Thứ nhất, trường hợp pháp luật không có quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng. Thứ hai, trong trường hợp pháp luật có quy định nhưng các bên tự nguyện thực hiện quyền, nghĩa vụ về hôn nhân và gia đình theo tập quán thì việc áp dụng tập quán đó được công nhận.

 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh không đồng ý với quy định áp dụng tập quán được công nhận ngay cả trong trường hợp pháp luật đã có quy định điều chỉnh vấn đề đó. Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, nước ta theo hệ thống pháp luật thành văn, tập quán chỉ là nguồn bổ trợ của pháp luật. Do đó, cùng một vấn đề mà nếu đã có pháp luật điều chỉnh thì không được áp dụng tập quán nữa. Việc áp dụng tập quán ngay cả khi pháp luật đã có quy định là vi phạm nguyên tắc nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi mọi tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ pháp luật. Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, chỉ nên cho phép áp dụng tập quán trong các trường hợp chưa có quy định pháp luật điều chỉnh về vấn đề đó./.


K.V- Hương Giang (Nguồn: CPV)