Vài suy nghĩ về truyền thông Tôn giáo ở nước ta

04:14 AM 28/10/2013 |   Lượt xem: 5628 |   In bài viết | 

Truyền thông tôn giáo và truyền giáo là 2 khái niệm rất khác nhau. Truyền giáo tức là người thay mặt Chúa trao truyền đức tin cho mọi người. Đó là thông tin một chiều. Còn truyền thông tôn giáo là thông tin đa chiều, đa chức năng. Người ta có thể sử dụng những kỹ thuật mới nhất, hiện đại nhất để tuyên truyền, thông tin và có sự trao đổi thông tin tư liệu với nhau.

Để có được cái nhìn toàn diện về truyền thông tôn giáo, chúng tôi đã điều tra bằng bảng hỏi, tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả điều tra khảo sát để thấy thực trạng truyền thông tôn giáo, nhất là thông tin về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác tôn giáo. Từ đó, dựng một bức tranh về truyền thông, thông tin tôn giáo của nước ta hiện nay, cũng như những vấn đề đang đặt ra cho tương lai.

Truyền thông tôn giáo qua khảo sát thực tế

Phương tiện truyền thông

Trong các gia đình người Việt vẫn đang sử dụng số lượng lớn đài phát thanh (radio). Tiếp sau là đầu đĩa, rồi mới đến điện thoại, tivi… Như vậy, nếu muốn truyền thông tôn giáo hiệu quả thì phải dựa chính trên các phương tiện này.

Sử dụng Internet trong truyền thông tôn giáo

Internet hay công nghệ IT ra đời làm cho con người gắn kết với nhau hơn, thế giới trở nên nhỏ bé hơn. Truyền thông qua Internet là truyền thông mở hay truyền thông đại chúng bởi ở đó con người có thể thoải mái trình bày quan điểm sống của mình mà không sợ bị kiểm duyệt như những hình thái in ấn truyền thống. Đây chính là hạn chế lớn nhất của truyền thông qua mạng Internet toàn cầu.

Các tôn giáo họ nắm được thế mạnh này và đã cho ra đời hàng loạt các trang mạng góp phần truyền thông, chuyển tải lượng thông tin khổng lồ giúp cho người đọc, người nghe hướng tâm về tôn giáo, tín ngưỡng.

Nhìn chung không chỉ Phật giáo, Công giáo mà Tin Lành, Cao Đài, Hoà Hảo… đều đã tận dụng hình thức truyền thông qua Internet để truyền thông tôn giáo của mình.

Về phía truyền thông Nhà nước cũng đã tạo ra nhiều trang thông tin điện tử Internet như: Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của các Bộ, ngành và nhiều tờ báo mạng đã trở nên quen thuộc với người truy cập internet như: Vnexpress.net, Vietnamnet.vn, Dantri.vn, Danviet.com.vn, Tuoitre online…

Qua số liệu khảo sát cho thấy hiện nay, người Việt khi xem tivi, truy cập mạng Internet thường quan tâm hàng đầu tới sức khoẻ, y tế; sau đó là những vấn đề xã hội, môi trường, phát triển; tiếp đó là thể thao, văn hoá; thứ tư mới là quan tâm đến vấn đề tôn giáo.... sau cùng là quân sự an ninh.

Như vậy, tôn giáo cũng là vấn đề mà nhiều người quan tâm. Cũng cần phải nói rõ rằng, vấn đề tôn giáo được các báo mạng của chúng ta đưa tin chủ yếu là các sự kiện tôn giáo nổi bật có liên quan tới tôn giáo thế giới như: Quan hệ của Nhà nước ta với Vaticant, Đại lễ Vesak..... phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với tôn giáo.

Một vài suy nghĩ về truyền thông tôn giáo ở nước ta hiện nay

Một là, truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về dân chủ cơ sở, đặc biệt là tự do tôn giáo ở một số địa phương còn lúng túng và hiệu quả chưa cao. Ở vùng dân tộc, nhiều cán bộ chưa biết tiếng của đồng bào nên khó tiếp cận, sâu sát với cuộc sống của người dân. Điều này dẫn tới việc phản ánh không kịp thời những tâm tư, nguyện vọng cũng như đời sống tôn giáo của các dân tộc ít người ra bên ngoài. Cách xử lý của chính quyền các địa phương nhiều lúc còn chưa mềm dẻo, bị các thế lực thù địch lợi dụng gây chia rẽ.

Hai là, còn nhiều thiếu sót trong quản lý các phương tiện truyền thông tôn giáo. Quản lý các trang Web trên Internet là một minh chứng cụ thể. Mặc dù có rất nhiều tiến bộ về mặt kỹ thuật, nhưng chúng ta vẫn chưa thể chặn được những trang web, trang báo điện tử, trang thông tin cá nhân thể hiện rõ tính chất phản động. Mặc khác, chưa có quy định hướng dẫn và truyền thông cảnh báo cho nhân dân cũng như cho bạn bè quốc tế về những trang webestte này. Như vậy, một bộ phận dân chúng vô tình có thể bị lôi kéo, kích động thông qua mạng truyền thông toàn cầu.

Ba là, các hình thức truyền thông chuyển tải thông tin tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng đến đồng bào dân tộc ít người còn thiếu hiệu quả. Bên cạnh đó, còn nhiều khó khăn trong ngăn chặn sóng của các đài phản động nước ngoài lọt vào nước ta. Đó là mối nguy hiểm đặc biệt với vùng sâu, vùng xa, vùng tập trung đồng bào dân tộc thiểu số.

Bốn là, một bộ phận cán bộ làm công tác truyền thông tôn giáo do còn hạn chế về chuyên môn, chưa hiểu sâu sắc đời sống tôn giáo cũng như chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta. Vì vậy, công tác truyền thông tôn giáo đặc biệt với đối tượng chống phá cách mạng chưa được thực hiện tốt. Ngoài ra cơ sở vật chất, điều kiện tài chính còn nhiều khó khăn mà phạm vi cần đến truyền thông các hoạt động tôn giáo lại rất rộng lớn.

Năm là, các cơ quan quản lý luôn gặp khó khăn trong việc kiểm soát nội dung thông tin, nhất là những thông tin độc hại. Hầu như bất kỳ ai cũng có khả năng tự xuất bản thông tin, sử dụng Internet như một môi trường truyền bá, tấn công với độ lan tỏa, gây hiệu ứng đám đông khó lường.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông chính sách của Đảng, Nhà nước và các hoạt động công giáo phải kiên quyết khắc phục, sửa chữa những bất cập, hạn chế nêu trên. Điều đó đòi hỏi ý thức trách nhiệm, sự nỗ lực và quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là cấp uỷ, chính quyền các địa phương, các giáo xứ giáo phận trong thực hiện truyền thông tôn giáo.

ThS. Nguyễn Thúy Hà- HV Báo chí và Tuyên truyền

(Theo Tạp chí Dân tộc)