Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số -Cách làm hay ở một huyện vùng cao biên giới

03:53 AM 01/04/2014 |   Lượt xem: 2006 |   In bài viết | 

Khi chủ trương bám sát thực tiễn

Mường Chà được biết đến là một trong những huyện biên giới nghèo của tỉnh Điện Biên, với diện tích tự nhiên tương đối rộng, tỷ lệ hộ đói nghèo cao, điều kiện giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chậm, trình độ dân trí của một bộ phận nhân dân còn thấp và không đồng đều. Do vậy, nhận thức về pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Bám sát đặc điểm đó, những năm qua Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Mường Chà nhất quán chủ trương đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, qua đó tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số hiểu và chấp hành pháp luật một cách nghiêm túc, tự giác.

Nhằm mục đích nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện; giúp đồng bào có thể tự biết cách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong các quan hệ kinh tế, dân sự đồng thời nâng cao ý thức, thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật cho đồng bào, góp phần xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội… cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp mà nòng cốt là Phòng Tư pháp huyện Mường Chà đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Trên cơ sở nội dung tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật chung của các đối tượng, huyện đã tập trung tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến nông dân, nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là những chính sách trực tiếp liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chính sách đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng nông thôn mới. Tăng cường phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hằng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số như quyền sử dụng đất, quan hệ dân sự trong cuộc sống cộng đồng, hôn nhân và gia đình, chống bạo lực gia đình và hủ tục lạc hậu, bảo vệ và phát triển rừng, phòng chống ma túy, chống xâm canh, xâm cư…

Thực hiện phương châm “hướng mạnh về cơ sở”, có thể nói công tác phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số của Mường Chà đã thực sự đi vào cuộc sống, giúp đồng bào nhận thức được hành vi đồng thời góp phần giảm thiểu những hành vi vi phạm pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số.

Và cách làm mang lại hiệu quả thiết thực

Nét nổi bật trước hết trong công tác phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Mường Chà đó chính là sự tham gia trách nhiệm, hiệu quả của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể. Trên cơ sở vai trò nòng cốt, đi đầu của Phòng Tư pháp huyện và đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp cấp xã, hoạt động phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số đã luôn thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… Đặc biệt, vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đối với việc phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được phát huy có hiệu quả. Cùng với đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng đóng quân trên địa bàn huyện mà trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Mường Mươn (xã Mường Mươn, huyện Mường Chà) cũng đã tích cực phối hợp với các đoàn thể địa phương thực hiện nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật cho nhân dân. Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã trở thành hạt nhân góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp trong hoạt động phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Một nguyên nhân quan trọng khác góp phần nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Mường Chà đó là việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến gắn với đối tượng cụ thể. Huyện luôn chú trọng hình thức tuyên truyền miệng, kết hợp với phát tờ rơi, tờ gấp, sân khấu hóa… Nội dung kiến thức pháp luật đã được thông tin qua mạng lưới truyền thanh cơ sở, phát hành bản tin, tờ rơi nội bộ, pano, áp phích; được tuyên truyền lồng ghép tại các buổi nói chuyện chuyên đề, các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân, các buổi hội thảo, hội nghị đầu bờ; kết hợp tuyên truyền trong các buổi họp dân, các buổi sinh hoạt đoàn thể và cộng đồng tại địa phương… Chỉ tính từ đầu năm đến hết tháng 10-2013, Phòng Tư pháp huyện Mường Chà đã phối hợp thực hiện trên 100 buổi tuyên truyền lưu động, phát 3.500 tờ gấp, tờ rơi các loại liên quan đến nội dung phổ biến kiến thức pháp luật.

Đồng thời, mô hình “tủ sách pháp luật”, “trung tâm học tập cộng đồng” cũng được nhân rộng góp phần trực tiếp cập nhật kiến thức pháp luật cho người dân. Hiện nay, 100% xã, thị trấn của huyện Mường Chà đã thành lập được “Tủ sách pháp luật” và có trung tâm học tập cộng đồng để phục vụ nhân dân tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật. Với số lượng bình quân từ 75-100 đầu sách, báo các loại cung cấp kiến thức về pháp luật, đời sống, xã hội… “Tủ sách pháp luật” đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về pháp luật. Song song với đó, các hoạt động của Trung tâm hỗ trợ pháp lý cũng từng bước đáp ứng nhu cầu của đồng bào trong tiếp cận các quy phạm pháp luật. Việc cơ quan tư pháp tăng cường tổ chức xét xử lưu động các vụ án trên các địa bàn của huyện cũng đã trực tiếp nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đồng bào dân tộc thiểu số về pháp luật và đấu tranh phòng chống tội phạm.

Bằng nhiều hình thức phù hợp, thiết thực, những hiệu quả mang lại từ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Mường Chà đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức pháp luật của đồng bào, giữ vững tình hình an ninh trật tự ổn định trên địa bàn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện./.

Tạ Quang Đạo