Tìm nước trên đỉnh Giảng Gà

05:08 AM 29/03/2014 |   Lượt xem: 1395 |   In bài viết | 

 Nỗi khổ của người Giảng Gà
 
 Nằm chênh vênh trên ngọn núi khô cằn, từ trước năm 1979, cả xóm Giảng Gà chỉ có 10 hộ dân sinh sống. Sau Chiến tranh biên giới 1979, 10 hộ dân trong xóm phải bỏ đất đi ly tán khắp nơi. Đến năm 2003, xóm mới thoát khỏi cái tên xóm trắng (xóm không có dân cư sinh sống), khi 20 hộ dân với 75 nhân khẩu, nằm trong dự án di dân ra sinh sống dọc tuyến biên giới của Đảng, Nhà nước. 
 
 Trung úy Trần Văn Phát múc nước từ bể chứa của công trình nước sinh hoạt cho người dân xóm Giảng Gà.
 Trung úy Trần Văn Phát múc nước từ bể chứa của công trình nước sinh hoạt cho người dân xóm Giảng Gà.
 
 Đến nay, về cơ bản xóm Giảng Gà đã có đường giao thông thông suốt từ xã vào bản, có điện lưới quốc gia. Các hộ dân đã khai hoang hết diện tích đất bãi hoang để đưa vào sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế các xã, huyện biên giới của tỉnh Cao Bằng. Người dân rất chăm chỉ làm ăn, nhưng thiên nhiên không ưu đãi họ bởi thiếu nguồn nước. 
 
 Ông Nông Văn Bàn (76 tuổi), người có mặt đầu tiên kể từ khi tái lập xóm cho hay: “Hằng ngày, bà con trong xóm đi lấy nước rất vất vả. Nếu là mùa mưa thì đi từ 1,5 - 2,5km lấy nước ở đồi Trung Mu, mùa khô nước ở đó cạn, phải ra sông Quây Sơn cách xóm 3km để lấy từng can nước. Mấy năm gần đây, nước sông Quây Sơn không còn sạch như trước, nhưng người dân Giảng Gà vẫn phải ra sông lấy nước phục vụ sinh hoạt, vì chẳng biết lấy nước sinh hoạt ở đâu”. 
 
 Có một nguồn nước ổn định vẫn là ước mơ canh cánh bây lâu của nhiều thế hệ người dân Giảng Gà. May mắn thay khi mà nỗi lòng người Giảng Gà được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Côn, trực tiếp là cán bộ chiến sĩ Trạm Kiểm soát biên phòng Đình Phong đóng tại xóm Giảng Gà lắng nghe, sẻ chia và giúp đỡ.
 
 Gian nan tìm nguồn nước 
 
 Chứng kiến cảnh hằng ngày, bà con trong xóm đi lấy nước quá vất vả, Trung úy Trần Văn Phát - Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Đình Phong, đóng tại xóm Giảng Gà bắt đầu hành trình đi tìm nguồn nước về cho đồng bào. Ý tưởng đầu tiên, là đưa được nước từ các mó nước trên núi xuống rồi xây dựng bể chứa thì sẽ có nước phục vụ sinh hoạt cho bà con. Nhưng ngay từ đầu, ý tưởng đã gặp nhiều trắc trở. 
 
 Anh Phát cho hay: “Từ xóm Giảng Gà đi lên đến mó nước phải trèo lên núi Thung Mu khoảng 2,5km, trong khi đó chúng tôi lại không có kinh phí để mua đường ống dẫn nước, dây điện để bơm đưa nước về, trong khi vào mùa khô lượng nước quá ít. Vì vậy phương án này không khả quan”.
 
 Trước thực tế trên, anh Phát đã đề xuất lên Ban chỉ huy đồn biên phòng giúp đỡ các hộ dân xây dựng bể lu (bể chứa nước mưa). Tuy nhiên, bể thì đã xây dựng xong, nhưng để mỗi hộ dân có đủ nước để sinh hoạt, thì mỗi hộ phải có ít nhất 10 bể nước, trong khi cán bộ chiến sĩ của đồn chỉ giúp đỡ xây dựng được một bể hứng nước mưa cho một hộ dân. 
 
 Liên tiếp hai lần thất bại trong hành trình đi tìm nước, nhưng hình ảnh 20 hộ dân hàng ngày 3 lần sáng, trưa, chiều dắt díu nhau ra sông chở nước, càng làm cho cán bộ, chiến sĩ của trạm quyết tâm hơn. 
 
 Trung úy Phát đã liên hệ và vận động được Công ty CP Thương mại kết nối niềm tin Hà Nội hỗ trợ 30 triệu đồng, đồng thời vận động huyện ủng hộ 20 triệu đồng để thực hiện khoan, thăm dò khảo sát tìm nguồn nước. Và trong vòng 1 tháng đã khoan thăm dò, khảo sát địa điểm tìm nguồn nước. 
 
 Nhìn cảnh khoan hết mũi này rồi đến mũi sau, cùng với cái lắc đầu ngao ngán của bác thợ, là những lần anh và đồng đội thất vọng, rồi lại hy vọng cho lần khoan sau. Cho đến khi tiến hành mũi khoan thứ 8, mũi khoan cuối cùng sâu 45m, lòng quyết tâm, mong mỏi của mọi người đã được đền đáp xứng đáng khi đã tìm thấy nguồn nước. 
 
 Cả xóm Giảng Gà như vỡ òa trong tiếng hò reo mừng rỡ. “Khi thấy dòng nước chảy lên từ ống khoan, tuy mạch nước nhỏ, nhưng cũng đã giải quyết được phần nào khó khăn về nước sinh hoạt cho bà con, chúng tôi mừng lắm”- anh Phát chia sẻ.
 
 Hôm mà Giảng Gà có nước, cả xóm không ngủ được, chỉ mong trời sáng để ra sân nhà sinh hoạt cộng đồng của xóm để lấy nước. 

Nguyễn Lê (Nguồn: danviet.vn)