Sơ kết chương trình xây dựng nông thôn mới ở 3 địa bàn

08:57 AM 31/03/2014 |   Lượt xem: 1575 |   In bài viết | 

Sau 3 năm thực hiện, các tỉnh đã triển khai được 4.760 mô hình sản xuất với tổng vốn hỗ trợ khoảng 3.490 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, một số địa phương đang từng bước xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.

TPHCM đang triển khai mô hình sản xuất đạt giá trị sản xuất bình quân 282 triệu đồng/ha/năm. Tỉnh Bình Thuận, ngoài việc khai thác tiềm năng kinh tế biển cũng triển khai 20.186 ha thanh long VietGAP với 8.110 hộ dân tham gia; xây dựng 16 liên minh sản xuất gắn kết 16 doanh nghiệp với gần 1.600 hộ dân để tiêu thụ nông sản.

Còn ở Tây Nguyên, một số địa phương cũng hình thành vùng chuyên canh công nghệ cao mang thu nhập từ 100-120 triệu/ha/năm cho nông hộ như sản xuất hoa, rau ở Lâm Đồng, hồ tiêu ở Gia Lai… và một số mô hình liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ bền vững.

Các địa phương cũng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sạch… góp phần phát triển sản xuất, cải thiện đời sống dân cư (chẳng hạn tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành tiêu chí giao thông ở 23% số xã với gần 1.000 km đường được làm mới; Đà Nẵng huy động hơn 1.000 tỷ đồng để nâng cấp hàng chục cây cầu, đường xá và trường học).

Tính đến cuối năm 2013, bình quân khu vực Đông Nam Bộ đạt 9,72 tiêu chí NTM (tăng 3,65 tiêu chí), vùng duyên hải Nam Trung Bộ đạt 7,75 tiêu chí (tăng 3,64 tiêu chí) và Tây Nguyên đạt 7,5 tiêu chí (tăng 3,2 tiêu chí). Trong đó có nhiều xã đã hoàn thành 19 tiêu chí như ở Đông Nam Bộ là 27 xã (chiếm 5,7% số xã toàn vùng), duyên hải Nam Trung Bộ có 2 xã (chiếm 0,2%), Tây Nguyên có 13 xã (chiếm 2,2%).

Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng nhìn chung còn thiếu, chưa đồng bộ. Tiêu chí giao thông mới đáp ứng được 11,6% chuẩn quốc gia, thủy lợi mới đáp ứng được 48% yêu cầu phòng chống lũ lụt và cấp nước cho sản xuất, dân sinh.

Trong sản xuất, nông nghiệp tuy là thế mạnh nhưng việc quy hoạch gắn với đầu tư hạ tầng ở các vùng chuyên canh có hiệu quả cao chưa hình thành vững chắc; cơ chế tín dụng cho nông dân còn bất cập; sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện của thời tiết…

Trong ngày 24/3, Hội nghị sẽ thảo luận các vấn đề về xây dựng NTM tại 3 khu vực trên.

Chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các địa phương tập trung làm rõ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc phát huy tính tự giác của nông dân khi thực hiện chương trình xây dựng NTM.

Các địa phương cũng cần làm rõ thêm mô hình sản xuất mới ở mỗi vùng, bởi đây là yếu tố nâng cao thu nhập của nông dân, có tính quyết định trong thành công của xây dựng NTM. Theo Phó Thủ tướng, các mô hình sản xuất mới sẽ được Trung ương tổng kết để nhân rộng ở các vùng và cả nước.

(Theo Chinhphu.vn)