Diễn đàn thường niên về phát triển dân tộc thiểu số

03:45 AM 19/05/2014 |   Lượt xem: 1869 |   In bài viết | 

Đồng chủ trì Diễn đàn có ông Sơn Phước Hoan, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT); ông Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; ông Damien Cole, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Ai Len tại Việt Nam; bà Louise Chamberlain, Giám đốc Quốc gia Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam. Tham dự Diễn đàn có các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Giàng A Chu, Triệu Thị Nái, Mã Điền Cư; Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của Quốc hội; đại diện một số Bộ, ngành Trung ương và Ban Dân tộc một số địa phương; đại diện các Vụ, đơn vị thuộc UBDT; một số Tổ chức phi chính phủ và các nhà tài trợ cho Chương trình giảm nghèo tại Việt Nam.

Trong bối cảnh nghèo đói đang tập trung tại các vùng đồng bào dân tộc với một nửa số người nghèo ở Việt Nam là người DTTS, Diễn đàn là hoạt động thường niên, có sự tham dự của đại diện Quốc Hội, Chính phủ, các tổ chức xã hội và các đối tác phát triển nhằm tìm cách giải quyết vấn đề khó khăn này.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Sơn Phước Hoan phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan nhấn mạnh: Trong những năm qua, nhận thức về vai trò của công tác giảm nghèo vùng DTTS đã có sự chuyển biến tích cực từ Trung ương tới địa phương. Các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Thể hiện nổi bật nhất là việc phối hợp rà soát, sửa đổi, ban hành nhiều chính sách giảm nghèo và phát triển mới có tầm chiến lược, thể hiện rõ trách nhiệm với vùng dân tộc và miền núi.  Công tác giảm nghèo vùng DTTS trong giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, với mong muốn đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo của các nhóm DTTS nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch phát triển, UBDT cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, thách thức to lớn hiện nay đối với công tác giảm nghèo nói riêng và phát triển vùng dân tộc và miền núi nói chung.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan khẳng định: “UBDT đánh giá cao sự hợp tác của các đối tác truyền thống của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực giảm nghèo và phát triển DTTS. Chúng tôi ghi nhận mối quan hệ hợp tác chân thành và hiệu quả của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc, Cơ quan Hợp tác Phát triển Ailen tại Việt Nam và đông đảo cộng đồng các đối tác phát triển khác trong những mục tiêu chung về phát triển bền vững vùng DTTS ở Việt Nam. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm mong muốn, Diễn đàn thường niên lần này sẽ là một cơ chế hợp tác, đối thoại, chia sẻ thông tin thường kỳ và kịp thời cho công tác hoạch định, quản lý triển khai thực hiện chính sách dân tộc nói chung và chính sách giảm nghèo dành cho cộng đồng DTTS nói riêng”.

Tính đến hết năm 2012, các xã thuộc Chương trình 135 có tỷ lệ nghèo vẫn ở mức trên 40%. Bình quân mỗi năm có khoảng 1/3 hộ tái nghèo và phát sinh nghèo mới so với tổng số hộ thoát nghèo do hậu quả thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh. Những thách thức đối với công tác giảm nghèo vùng DTTS gồm: Khoảng cách ngày càng tăng về trình độ phát triển của đa số các nhóm DTTS so với mức trung bình của cả nước; tình trạng dễ bị bỏ lại phía sau của nhiều hộ nghèo do không có (hoặc thiếu) đất sản xuất đi liền với không có (hoặc thiếu) việc làm ổn định; sự bất bình đẳng gia tăng trong hưởng thụ các thành quả chung của đất nước trên các lĩnh vực kinh tế - văn hoá, đặc biệt trong việc tiếp cận dịch vụ công, dịch vụ vốn, dịch vụ y tế - xã hội.

Thảo luận và giải đáp các ý kiến của đại biểu

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã được nghe báo cáo đánh giá thực trạng nghèo của các nhóm DTTS giai đoạn 2007 – 2012; tổng quan rà soát về tình hình thực hiện chính sách DTTS; thảo luận giữa các nhà hoạch định, quản lý chính sách, đồng bào DTTS, đại diện các đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ và các nhà nghiên cứu về các bài học kinh nghiệm trong giảm nghèo và định hướng giảm nghèo giai đoạn 2015 – 2020.

Ông Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết: “Hoạt động giám sát nghèo tối cao năm 2014 cho thấy có một thực trạng rất rõ ràng về sự chồng chéo, trùng lặp về các nội dung chính sách giảm nghèo dành cho các nhóm DTTS. Mặc dù đã có những thay đổi hướng đến nâng cao chất lượng giảm nghèo, chuyển sang mục tiêu giảm nghèo bền vững, hệ thống chính sách giảm nghèo hiện nay vẫn chưa thể giải quyết được một số những thách thức cơ bản này”.

Giữ vai trò Chủ trì Nhóm công tác về giảm nghèo DTTS, ông Damien Cole, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ailen tại Việt Nam khẳng định: “Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển ghi nhận công tác giảm nghèo ở Việt Nam đang ở thời điểm cần có cách tiếp cận cụ thể và phù hợp bối cảnh thực tế hơn”. Ông cho biết, giảm nghèo DTTS là ưu tiên quan trọng nhất trong Chương trình của Cơ quan viện trợ phát triển Ailen từ khi bắt đầu chiến lược hợp tác đầu tiên với Việt Nam vào năm 2007.

Những vấn đề về tính hiệu quả của hệ thống chính sách giảm nghèo dành cho vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn và đồng bào DTTS hiện nay cũng đặt ra những câu hỏi về mức độ phù hợp. Với đặc thù văn hoá, đặc thù sinh kế truyền thống vô cùng đa dạng của các DTTS vốn cư trú và sinh sống trên những địa bàn khác nhau và có đặc trưng văn hoá rất khác nhau; thực tế đòi hỏi phải có sự nghiên cứu để đảm bảo đưa ra được những chính sách khả thi và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đây là những thách thức to lớn không chỉ cho ngành công tác dân tộc mà còn là những cản trở đáng kể đối với mục tiêu giảm nghèo và phát triển chung của đất nước, nếu chúng ta không tìm được những hướng đi phù hợp để có thể huy động được sự tham gia chủ động của người dân, phát huy được những thế mạnh và nguồn lực của cộng đồng trong quá trình giảm nghèo và phát triển ở vùng DTTS trong thời gian tới.

Bà Louise Chamberlain, Giám đốc Quốc gia Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc, đồng chủ trì Nhóm Công tác về Giảm nghèo DTTS khuyến nghị một số đối sách và đề xuất thực hiện nhằm tăng cường tốc độ giảm nghèo DTTS. Theo bà Chamberlain, chính sách và chương trình chỉ nên là yếu tố kích hoạt năng lực nội sinh của cá nhân và cộng đồng để khắc phục những điểm bất lợi và yếu thế. Không nên coi các cộng đồng DTTS chỉ là những đối tượng nhận chính sách, mà nên xem họ như là chủ thể của quá trình phát triển, có đủ khả năng đóng góp và tham gia vào sự phát triển của bản thân cũng như của đất nước Việt Nam.

Bà Louise Chamberlain nêu bật sự cần thiết phải nắm bắt, thúc đẩy và tôn trọng sự đa dạng về văn hoá cũng như tăng cường sự hiểu biết phù hợp về văn hoá trong các quá trình phát triển. “Bằng chứng cho thấy, nhất thiết cần có sự phù hợp với bối cảnh địa phương mới có thể giúp các nhóm thiểu số tham gia vào và hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế quốc gia”, bà nhấn mạnh “sự đa dạng văn hoá cần phải được công nhận là một thành phần cơ bản trong quá trình phát triển toàn diện và phải là một phần trong bất kỳ nỗ lực nào trong tương lai để thay đổi khung pháp lý đang chi phối sự phát triển cộng đồng DTTS”.

Anh Thào A Chớ, dân tộc Mông đến từ tỉnh Sơn La cho biết: “Người nghèo chúng tôi cũng không muốn nghèo, nhưng vì điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiên tai, lũ lụt thường xuyên xảy ra, điều kiện nuôi trồng khó khăn, không có đất trồng trọt, chủ yếu là núi đá nên khó có thể thoát nghèo được, có khi thoát nghèo rồi sau một năm lại nghèo lại. Đề nghị các cấp chính quyền cần cử chuyên gia kỹ thuật đến giúp hộ nghèo chúng tôi, hướng dẫn bà con trồng cây gì tốt, nuôi con gì tốt để thoát khỏi nghèo khó. Chúng tôi nghèo nên không thể lo cho con em học hành đầy đủ, có vay tiền trợ cấp cho con em đi học rồi, học về cũng không xin được việc, dẫn đến lập gia đình sớm, sinh con, rồi lại nghèo đói… Mong rằng Chính phủ quan tâm hơn nữa đến các hộ nghèo DTTS để con em được theo học trung cấp, chuyên nghiệp, có việc làm ổn định, giúp chúng tôi có lối đi đúng để thoát nghèo bền vững…”.

Anh Thào A Chớ chia sẻ những tâm tư, tình cảm mà đồng bào dân tộc mong muốn

Diễn đàn “Chính sách giảm nghèo vùng DTTS và miền núi: bài học kinh nghiệm và định hướng giai đoạn 2015 – 2020” cùng với những đánh giá, thảo luận và đề xuất đưa ra đã, đang và sẽ trở thành một kênh thông tin có giá trị và kịp thời góp phần để Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội, Ủy ban Dân tộc cùng các Bộ, ngành và các bên liên quan cùng hướng tới việc xây dựng và triển khai thực hiện hệ thống chính sách dân tộc phù hợp hơn, hiệu quả hơn trong bối cảnh thực trạng nghèo có nhiều thay đổi như hiện nay nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển ở các cộng đồng DTTS Việt Nam.

Sơn Nam