Thủ tướng chỉ thị xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH

12:16 PM 07/08/2014 |   Lượt xem: 1581 |   In bài viết | 

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020 là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân.

Đồng thời tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia. Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Củng cố và mở rộng các quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Phấn đấu GDP bình quân tăng 6,5-7%/năm

Kế hoạch phát triển KT-XH phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2016-2020 tăng 6,5-7%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,5%/năm; thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành, lĩnh vực, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá trong Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2011-2020 về: (i) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; (ii) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Đồng thời tiếp tục đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa; bảo đảm cạnh tranh bình đẳng; tăng nhanh tiềm lực và bảo đảm an ninh tài chính quốc gia; lành mạnh hóa hệ thống tài chính; ổn định các cân đối vĩ mô; huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển nền kinh tế.

Bên cạnh đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển giáo dục-đào tạo và phát triển mạnh khoa học-công nghệ. Phát triển văn hóa, xã hội, thể dục, thể thao, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng. Tập trung giảm nghèo bền vững. Thực hiện các chính sách lao động, việc làm gắn với phát triển thị trường lao động. Chủ động, tích cực phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy các di sản văn hóa dân tộc; tăng cường công tác thông tin truyền thông; phát triển mạnh phong trào thể dục, thể thao để nâng cao thể chất của người Việt Nam. Thực hiện tốt chính sách dân tộc và tôn giáo; bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ. Chú trọng công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ quyền lợi của trẻ em; phát triển thanh niên; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai.

Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kết hợp phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc xây dựng kế hoạch phải bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; Kế hoạch phát triển KT-XH của các ngành, lĩnh vực và các cấp địa phương phải phù hợp với kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm của cả nước, các quy hoạch phát triển; phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương.

Các mục tiêu, định hướng và giải pháp, chính sách trong Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020 phải bảo đảm tính khả thi; sắp xếp thứ tự các mục tiêu ưu tiên.

Thủ tướng lưu ý, trong quá trình xây dựng, các Bộ, ngành và địa phương cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan nghiên cứu, các đoàn thể, các hiệp hội sản xuất và tiêu dùng, cộng đồng dân cư, các nhà tài trợ và các chuyên gia trong, ngoài nước.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020 trong tháng 8 này; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tính toán, xây dựng các phương án tăng trưởng kinh tế và các cân đối lớn trong quý IV/2014.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hướng dẫn các ngành, các cấp xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020 thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.

Theo chinhphu.vn