Quốc hội thông qua Luật Hộ tịch: Vẫn giữ giấy khai sinh
08:24 AM 21/11/2014 | Lượt xem: 2308 In bài viết |Luật Hộ tịch gồm có 7 chương, 77 điều quy định về hộ tịch; quyền, nghĩa vụ,
nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch; cơ sở dữ liệu hộ tịch và quản
lý nhà nước về hộ tịch. Thẩm quyền, thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch,
nuôi con nuôi được thực hiện theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam, Luật
nuôi con nuôi. Luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2016.
Dự thảo luật vừa được thông qua vẫn giữ quy định về việc cấp giấy khai sinh cho
trẻ em khi đăng ký khai sinh; đồng thời, bổ sung quy định nội dung giấy khai
sinh và giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về hình thức của loại giấy này.
Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật do
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý trình bày nêu rõ: về thẩm quyền đăng ký
hộ tịch (Điều 7), đa số ý kiến nhất trí như dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị giữ
như quy định hiện hành là UBND cấp tỉnh có thẩm quyền đăng ký hộ tịch có yếu tố
nước ngoài.
Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin cho rằng, việc đăng ký hộ tịch có
yếu tố nước ngoài giao UBND cấp huyện thực hiện nhằm cải cách thủ tục hành
chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân; đồng thời để UBND cấp tỉnh tập
trung làm tốt chức năng quản lý nhà nước về hộ tịch tại địa phương. Vì vậy, đề
nghị Quốc hội cho giữ quy định về thẩm quyền đăng ký hộ tịch như quy định trong
dự thảo Luật. Đồng thời, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải
pháp tiếp tục kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch để bảo đảm thực
hiện thẩm quyền này.
Về thẩm quyền đăng ký hộ tịch (Điều 7), đa số ý kiến nhất trí như dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành là UBND cấp tỉnh có thẩm quyền đăng
ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, việc đăng
ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài giao UBND cấp huyện thực hiện nhằm cải cách thủ
tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân; đồng thời để UBND cấp
tỉnh tập trung làm tốt chức năng quản lý nhà nước về hộ tịch tại địa phương. Vì
vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về thẩm quyền đăng ký hộ tịch như quy
định trong dự thảo Luật; đồng thời, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ
có giải pháp tiếp tục kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch để bảo
đảm thực hiện thẩm quyền này.
Về lệ phí đăng ký hộ tịch, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), dự thảo đã
chỉnh lý, bổ sung đối tượng người khuyết tật được miễn lệ phí đăng ký hộ tịch;
đồng thời chỉnh lý quy định việc miễn lệ phí đăng ký hộ tịch được thực hiện đối
với các trường hợp đăng ký hộ tịch đúng hạn nhằm khuyến khích việc chấp hành
nghiêm chỉnh quy định về đăng ký hộ tịch.
Liên quan đến nội dung đăng ký khai sinh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy,
việc đặt tên cho con là quyền dân sự của cá nhân. Tuy nhiên, khi thực hiện quyền
này thì công dân cần cân nhắc, lựa chọn tên phù hợp với văn hóa truyền thống và
phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Do đó, mặc dù chưa quy định trong Luật
Hộ tịch, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu vấn đề này trong
quá trình sửa đổi Bộ luật Dân sự.
Liên quan đến cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (Điều 59), Ủy ban thường vụ Quốc
hội cho rằng: Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được xây dựng đặt trong tổng thể mối
quan hệ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được kết nối, chia sẻ để các cơ
quan nhà nước khai thác phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước, cấp bản sao trích
lục hộ tịch đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu đề
nghị Chính phủ cần tiếp tục xem xét, có giải pháp tập trung nguồn lực sớm thực
hiện lộ trình của Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công
dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư (được phê duyệt theo Quyết
định số 896/QĐ-TTg ngày 08/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ), tận dụng cơ sở hạ
tầng, máy móc, thiết bị… hiện có, tránh lãng phí..../.
Đỗ Thoa (Nguồn: CPV)