Thông qua Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh
10:37 AM 27/11/2014 | Lượt xem: 2399 In bài viết |Trước khi các đại biểu tiến hành bấm nút, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật quản
lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội.
Về ý kiến đề nghị bổ sung hai hình thức đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp
bao gồm: đầu tư vốn nhà nước để góp vốn thành lập doanh nghiệp khác, đầu tư vốn
nhà nước vào doanh nghiệp xây dựng kết cấu hạ tầng công cộng, đầu tư vốn nhà
nước để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh ra nước ngoài.
Giải trình về ý kiến nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo Luật
quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp
được xây dựng nhằm mục tiêu thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về tái
cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước theo hướng giảm những ngành, lĩnh vực không thuộc
diện Nhà nước duy trì 100% vốn điều lệ hoặc duy trì cổ phần, vốn góp. Trường hợp
cần thiết thành lập doanh nghiệp mới mà Nhà nước không nắm giữ 100% vốn điều lệ
thì sẽ thực hiện bằng cách yêu cầu các doanh nghiệp hiện có góp vốn để thành lập
hoặc mua lại một phần doanh nghiệp khác, Nhà nước không trực tiếp đầu tư vốn để
thành lập doanh nghiệp mới.
Ngoài ra, việc đầu tư vốn nhà nước vào cơ sở hạ tầng và đầu tư ra nước ngoài đã
được quy định tại Luật đầu tư công, các doanh nghiệp được giao vốn nhà nước phải
thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật khác có liên
quan. Trường hợp tài sản hình thành từ việc đầu tư của nhà nước được chuyển giao
cho doanh nghiệp thì thực hiện quản lý theo quy định của Luật này.
Về vấn đề đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp, có ý kiến đề nghị quy định
chặt chẽ hơn về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp tại Điều 29, vốn Nhà nước
đầu tư ra nước ngoài phải coi là một khoản chi đầu tư phát triển của ngân sách
Nhà nước.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về đầu tư ra nước ngoài của doanh
nghiệp tại Điều 29 ngoài việc tuân thủ các quy định tại Luật này, còn phải thực
hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, về quản lý ngoại hối và quy định
khác của pháp luật có liên quan.
Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu
tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thì cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định
đầu tư sau khi Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Tại
Điều 42 về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu và Điều 44 về
quyền, trách nhiệm của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty tại doanh
nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ của dự thảo Luật cũng đã quy định rõ
trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công
ty đối với việc đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp.
Về mô hình đại diện chủ sở hữu Nhà nước, có ý kiến đề nghị quy định ngay trong
luật việc thành lập một cơ quan chuyên trách tương đương cơ quan ngang Bộ làm
đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Giải trình vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thừa nhận,
ý kiến của đại biểu là xác đáng, việc thành lập một cơ quan chuyên trách về quản
lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp sẽ tạo được đột phá,
bảo đảm công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước của
doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với việc đầu tư,
quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc thay đổi mô hình đại diện chủ sở hữu theo hướng thành lập một
cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ sẽ tác động đến mô hình, cơ cấu tổ chức và hoạt
động của Chính phủ cũng như thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu
tư của Nhà nước. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục
nghiên cứu, đề xuất mô hình phù hợp, khả thi trong thời gian tới.
Trên cơ sở giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số các đại
biểu đã bấm nút tán thành thông qua Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư
vào sản xuất, kinh doanh.
(Nguồn: CPV)