Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thống kê (sửa đổi)
03:07 AM 12/03/2015 | Lượt xem: 1900 In bài viết |Sau hơn 10 năm thực hiện Luật
Thống kê đã cho thấy, Luật này có tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống
kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện,
Luật Thống kê còn bộc lộ hạn chế, vướng mắc về cơ sở pháp lý, thực tiễn, kết quả
hoạt động thống kê. Thêm vào đó, thực tiễn quản lý kinh tế - xã hội đòi hỏi mỗi
ngành, mỗi lĩnh vực phải liên tục đổi mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn xã
hội. Ngành Thống kê là ngành cung cấp số liệu chính xác, kịp thời cho các cơ
quan Đảng, nhà nước phục vụ việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến
lược, chính sách xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trước yêu cầu
thay đổi của thực tiễn xã hội, thực tiễn quản lý điều hành kinh tế - xã hội thì
các quy định của Luật Thống kê tất yếu phải thay đổi để điều chỉnh những quan hệ
về thống kê mới phát sinh.
5 nội dung chính được đề xuất sửa đổi tại Luật Thống kê: Thứ nhất, làm rõ vai
trò công tác thống kê và tầm nhìn của Luật Thống kê (sửa đổi). Dự thảo nêu rõ:
Công tác thống kê không chỉ phục vụ cho quản lý nhà nước, mà cho mọi đối tượng
dùng tin, không chỉ trong nước mà cả quốc tế; Công tác thống kê không chỉ của
Nhà nước mà của mọi chủ thể trên thị trường; Công tác thống kê không chỉ là căn
cứ để hoạch định chiến lược, chính sách, kế hoạch mà còn là công cụ để kiểm tra,
giám sát việc thực hiện và đánh giá cả về việc hoạch định chiến lược, chính sách,
kế hoạch; Thống kê không chỉ là thu thập, tổng hợp, công bố thông tin, mà còn
bao gồm nhiều công đoạn khác nhau, như phân tích dự báo, dịch vụ thống kê… Luật
Thống kê vừa phải quy định những vấn đề khái quát, vừa mang tính chất là Luật
chuyên ngành. Vì vậy, cần sửa đổi Luật theo hướng: Bổ sung đầy đủ hơn vai trò
của công tác thống kê, xác định cụ thể hơn vị trí của công tác thống kê: công cụ
quản lý nhà nước, công cụ giám sát, kiểm tra, dịch vụ thông tin, phân tích dự
báo, công bố thông tin… Mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật, giảm
thiểu phải quy định trong Nghị định. Với định hướng đó sẽ tăng chương, tăng điều
và quy định chi tiết hơn.
Thứ hai, nhấn mạnh và quy định rõ hơn tính độc lập của hoạt động thống kê: Dự
thảo luật đã mở rộng nội dung quy định về quyền được độc lập và khả năng bảo đảm
tính độc lập cho rõ về 2 mặt này. Quy định chi tiết trong các điều Luật cụ thể
về nguyên tắc này.
Thứ ba, quy định rõ hơn và tiếp tục thực hiện mô hình tập trung kết hợp với phân
tán. Theo đó, quy định chi tiết hơn về hệ thống thông tin, hệ thống chỉ tiêu, về
quyền thẩm định điều tra, chế độ báo cáo, công bố thông tin, thanh tra, kiểm tra
thống kê, về quyền truy cập thông tin; về hệ thống tổ chức thống kê tập trung,
tổ chức thống kê bộ, ngành, sở, ngành, tổ chức thống kê cấp xã và việc thành lập
Hội đồng thống kê quốc gia.
Theo dự thảo, hệ thống thông tin thống kê chính thức được xây dựng để đáp ứng
nhu cầu thông tin thống kê của các cấp, gồm: Hệ thống thông tin thống kê quốc
gia; hệ thống thông tin thống kê bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Bộ, ngành); hệ thống
thông tin thống kê cấp tỉnh và cấp huyện.
Thứ tư, tăng cường công nghệ thông tin hiện đại cho hoạt động thống kê: Công
nghệ thông tin để thu thập thông tin thẳng từ các đơn vị trọng điểm, không phải
thông qua việc tổng hợp từng cấp; Công nghệ thông tin để truy cập, trao đổi
thông tin, bảo đảm tính thống nhất giữa các ngành, các cấp; Hình thành trung tâm
tư liệu thống kê quốc gia tại Tổng cục Thống kê.
Thứ năm, đẩy mạnh dịch vụ thống kê: Với quan điểm coi hoạt động thống kê là dịch
vụ công, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi Luật theo hướng: Quy định trong Luật cho
phép có hoạt động dịch vụ thống kê. Quy định nội dung các hoạt động dịch vụ
thống kê.
Qua thẩm tra, đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết
ban hành Luật Thống kê (sửa đổi), song còn băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của
dự thảo Luật. Một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, dự thảo Luật chưa
làm rõ được mối quan hệ và tính thống nhất trong hệ thống thông tin thống kê các
cấp, cụ thể thời gian vừa qua số liệu tính tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của
các địa phương cộng lại cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP chung của cả
nước. Loại ý kiến này đề nghị quy định quyền hạn, trách nhiệm của Cơ quan thống
kê trung ương trong việc xử lý tình trạng không thống nhất về thông tin thống kê.
Thường trực Ủy ban Kinh tế về cơ bản tán thành với quy định về lịch công bố
thông tin thống kê, song đề nghị bổ sung quy định rõ việc xây dựng lịch công bố
thông tin thống kê trong dự thảo Luật, quy định cụ thể một số chỉ tiêu công bố
như GDP, CPI, tỷ lệ thất nghiệp, thời điểm công bố cố định đối với 3 loại số
liệu thống kê (số ước tính, số sơ bộ, số chính thức).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, cần quy định rõ các nguyên tắc,
phương thức công bố thông tin thống kê nhằm tạo sự minh bạch, thuận lợi trong
việc tiếp cận, sử dụng thông tin thống kê chính thức đối với các tổ chức, cá
nhân. Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, trong cơ quan thẩm tra, có ý kiến đề
nghị cơ quan thống kê thuộc Chính phủ, có ý kiến cho rằng cơ quan thống kê độc
lập do Quốc hội thành lập, có ý kiến cho rằng hệ thống thống kê đang hoạt động
hiệu quả do đó không nhất thiết phải thay đổi (cơ quan thống kê hiện nay trực
thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế đề
nghị để cơ quan thống kê trực thuộc Chính phủ.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (đại diện cơ quan
soạn thảo luật) cho rằng: Việc Tổng cục Thống kê trực thuộc cơ quan nào không
ảnh hưởng đến sự độc lập trong hoạt động của cơ quan này, nếu có cơ chế hoạt
động và chế độ trách nhiệm rõ ràng. Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế thì phần
lớn cơ quan thống kê các nước đều thuộc Bộ Kinh tế, một số nước thuộc Chính
phủ..../.
Mạnh Hùng (Nguồn: CPV)