Hội thảo kỹ thuật Nhìn lại Chương trình 135, thiết kế chương trình giai đoạn 2016 – 2020

02:42 AM 18/06/2015 |   Lượt xem: 1597 |   In bài viết | 

Tham dự Hội thảo có bà Phó Đại sứ cơ quan Viện trợ Ailen; đại diện WB,  UNDP, Úc, Thụy Sỹ; một số Bộ, ban ngành: Văn phòng Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động Thương binh và xã hội;  đại diện lãnh đạo một số Vụ, đơn vị của UBDT cùng lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng 135.

Chương trình 135 là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ dành cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, là một trong những chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Từ năm 1999 đến nay, Chương trình 135 được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1999 – 2011, Chương trình gồm 4 hợp phần chính: đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo nâng cao năng lực; Chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân; Giai đoạn 2012 - 2013, Chương trình chuyển thành dự án 2, chỉ còn một hợp phần về cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Giai đoạn 3, Chương trình gồm 2 hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; giai đoạn 2012 - 2015, đây là Dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và giai đoạn 2016 - 2020. Theo đánh giá chung, Chương trình 135 đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng DTTS và miền núi, giảm nghèo nhanh, tăng cường cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của người dân vùng ĐBKK.

Tuy nhiên, cho đến nay, vùng DTTS và miền núi, đặc biệt là địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vẫn là vùng khó khăn nhất của cả nước, tỉ lệ đói nghèo cao gấp nhiều lần mức bình quân chung của cả nước, trình độ dân trí thấp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định về an ninh chính trị. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là xuất phát điểm kinh tế - xã hội của vùng thấp, điều kiện tự nhiên còn gặp nhiều khó khăn, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu và hệ thống chính sách còn có những bất cập, trong đó có Chương trình 135. Do đó, để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân vùng DTTS và miền núi, đặc biệt là địa bàn các xã, thôn bản ĐBKK trong giai đoạn 2016 - 2020, cần xây dựng một chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn bản ĐBKK trên cơ sở điều chỉnh, sửa đổi Chương trình 135 hiện hành. Điều này sẽ tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề khó khăn nhất, bức xúc nhất, cần thiết nhất cho đồng bào các xã, thôn bản ĐBKK, tạo điều kiện cho địa bàn phát triển sản xuất, ổn định đời sống, hạn chế gia tăng khoảng cách các vùng trong cả nước.

Trên cơ sở đánh giá quá trình thực hiện Chương trình 135 từ năm 1999 đến năm 2014 cùng kiến nghị của các địa phương và các tổ chức quốc tế, UBDT đã xây dựng Chương trình 135 về hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao năng lực và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản ĐBKK giai đoạn 2016 – 2020 gồm 3 hợp phần: hỗ trợ phát triển sản xuất; nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và người dân; đầu tư cơ sở hạ tầng xã, thôn. Ba hợp phần này sẽ tạo nên hiệu quả tổng hợp, đáp ứng được yêu cầu toàn diện về phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững khu vực ĐBKK.

Tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đánh giá cao những kết quả mà Chương trình 135 đã mang lại cho đời sống đồng bào DTTS và miền núi trong những năm qua, tuy nhiên các đại biểu cũng cho rằng báo cáo cần phải đánh giá tính khớp nối giữa Chương trình 135 với các Chương trình khác, đồng thời chỉ rõ những khó khăn, bất cập của Chương trình trong giai đoạn 2012 - 2015. Một số ý kiến khác cho rằng cần phải phân tích, đánh giá thêm những kết quả của 2 hợp phần đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất và bổ sung thêm đánh giá về sự hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức quốc tế vào Chương trình trong toàn giai đoạn.

Về việc thiết kế Chương trình giai đoạn 2016 - 2020, nhiều đại biểu cho rằng cần ưu tiên nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, tránh chồng chéo trong quản lý, các nguồn lực của các chương trình triển khai trên địa bàn các xã 135 nên giao cho Ủy ban Dân tộc.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Võ Văn Bảy, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135 đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự xoay quanh việc tổ chức thực hiện và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình. UBDT sẽ tiếp thu và tập trung cao độ để xây dựng khung thực hiện trong thời gian sớm nhất. Đồng chí Võ Văn Bảy cũng bày tỏ mong muốn các Bộ, ban ngành, các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục chia sẻ và đóng góp ý kiến cho UBDT trong việc hoàn thiện thiết kế Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020.

Ngọc Ánh