Quốc hội thảo luận về Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi)

03:03 AM 28/10/2015 |   Lượt xem: 2324 |   In bài viết | 

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến nhất trí với quan điểm mới được đưa ra trong Dự thảo lần này là Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Các ý kiến đánh giá, việc mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân là bước chuyển quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân là “cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.

Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, (đoàn Hải Phòng), quy định này là kim chỉ nam để các đạo luật khác căn cứ thể chế hóa nhằm bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng, về mặt lý luận nhà nước với bộ máy công quyền và công cụ pháp luật tồn tại nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội đảm bảo công lý được thực thi, song do các mối quan hệ kinh tế xã hội luôn vận động, phát triển nên có thời điểm pháp luật cho theo kịp để điều chỉnh các quan hệ kinh tế xã hội mới phát sinh lúc này trách nhiệm thuộc về nhà nước, chứ không thể đẩy trách nhiệm về nhân dân và nói rằng vì chưa có điều luật áp luật nên từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự.

Đồng tình với chủ trương này, nhưng theo đại biểu Trần Đình Nhã, (đoàn Thừa Thiên Huế): Tòa không được từ chối thì sẽ xét xử như thế nào?. Đây là vấn đề cần suy xét thận trọng. Đại biểu Vũ Xuân Trường, (đoàn Nam Định) nêu ý kiến: trong 4 nguyên tắc để áp dụng xét xử khi không có điều luật áp dụng thì ông chỉ đồng ý với nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật và án lệ. Còn về nguyên tắc áp dụng tập quán và lẽ công bằng, đại biểu Vũ Xuân Trường đề nghị, cần phải cụ thể hóa và có chế định rõ ràng để ràng buộc trong một khuôn khổ nhất định trong 2 chế định này.

Theo đại biểu Vũ Xuân Trường, về tập quán thì có rất nhiều tập quán khác nhau, người hiểu và áp dụng tập quán của thẩm phán thì cũng hiểu nhiều cách khác nhau. Do đó, nên quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn áp dụng loại phong tục tập quán nào để tránh sự khác nhau trong nhận thức và vận dụng.

Đối với vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân, Dự thảo Bộ luật tiếp tục giao cho Viện Kiểm sát thực hiện các thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng. Các đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nằng), Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) và Trần Tiến Dũng (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng: với chức năng này cho thấy vị trí, vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân khác với chủ thể là “người tham gia tố tụng”. Vì vậy, việc xác định Viện Kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng là phù hợp. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu quy định đầy đủ quyền của Viện Kiểm sát. Đại biểu Trần Tiến Dũng, (đoàn Hà Tĩnh) đề nghị phải tiếp tục nghiên cứu quy định đầy đủ quyền của Viện kiểm sát với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng và quyền của Viện kiểm sát với tư cách là cơ quan tham gia tố tụng với tư cách là nhân danh một trong hai cơ quan cùng với tòa án là cơ quan nhân danh quyền lực nhà nước, thực hiện quyền lực nhà nước trong tố tụng hình sự. Có như vậy thì mới có điều kiện thực hiện tốt và hiệu quả nhiệm vụ đó.

Về công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án, nhiều ý kiến tán thành với quy định công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án trong Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi). Quy định này phù hợp với chủ trương cải cách Tư pháp là khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng hòa giải trọng tài, tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận giải quyết tranh chấp đó. Quy định này phù hợp ý chí của đương sự trong vụ việc dân sự, góp phần khuyến khích việc tham gia hòa giải, giảm bớt việc khởi kiện yêu cầu tòa án tham gia giải quyết. Tuy nhiên, đại biểu Đặng Công Lý, (đoàn Bình Định) đề nghị quy định cụ thể những loại hòa giải nào thì được Tòa án công nhận và quy định chi tiết trình tự, thủ tục và giá trị pháp lý của quyết định công nhận kết quả hòa giải.

Theo đại biểu Đặng Công Lý, Tòa án chỉ xem xét công nhận kết quả hòa giải các vụ việc ngoài tòa án giữa cơ quan tổ chức cá nhân do người có thẩm quyền tổ chức có nhiệm vụ thực hiện theo quy định của pháp luật, tiến hành hòa giải. Khi xem xét các quyết định công nhận kết quả hòa giải ngoài tòa án, tòa án nhân dân phải căn cứ vào các điều kiện quy định tại điều 416 của dự thảo, ngoài ra kết quả hòa giải được tòa án xem xét ra quyết định công nhận sẽ được cơ quan thi hành án dân sự thi hành như bản án quyết định của tòa án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Góp ý Dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi), nhiều ý kiến tán thành và đề nghị cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự ở giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm. Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định.

Dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi) gồm 10 phần, 41 chương, 509 điều đã được thảo luận kỹ tại kỳ họp thứ 9. Dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Bộ luật tố tụng dân sự tại Kỳ họp này./.

Theo: Mạnh Hùng (Nguồn: CPV)