Cô giáo Miết nhận công tác tại
trường mẫu giáo xã Long Môn từ năm 2003, sau khi vừa tốt nghiệp ngành sư phạm
mầm non, trường ĐH Phạm Văn Đồng. Những ngày đầu mới chỉ ký hợp đồng ngắn hạn,
tiền lương mỗi tháng vẻn vẹn 300.000 đồng, nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ,
cộng với đam mê nghề, cô đã mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn, thích nghi với cuộc
sống mới. Cô giáo Miết chia sẻ: “Lúc bấy giờ, trường chưa tách riêng, mà mượn
tạm phòng của trường tiểu học. Các em đến lớp trong điều kiện thiếu thốn mà thấy
thương, cứ tự nhủ phải dạy sao cho thật tốt để các em nên người”.
Năm 2005, vì thiếu giáo viên cắm bản, nên Miết được chuyển về điểm trường tại
làng Ren, xã Long Môn, cách trường cũ hơn chục cây số. Đây là thời gian đáng nhớ
nhất trong sự nghiệp trồng người của cô giáo H're. Cứ đầu tuần, Miết lại gùi
lương thực, thực phẩm băng rừng, lội suối tích trữ để dùng dần. Đến cuối tuần
lại lặn lội về nhà thăm chồng, con. Quãng đường ấy gập ghềnh và dài thăm thẳm…
như quá trình phấn đấu và đóng góp vào sự nghiệp giáo dục của Miết. Có những
ngày mưa gió, địa bàn chia cắt cả tháng trời, cô giáo Miết không thể về với
chồng con, nên coi trường là nhà, dựa vào đồng bào mà sống.
Cô Lương Thị Tám, Hiệu phó trường Mẫu giáo xã Long Môn nhận xét, là người H’re
nên cô giáo Miết rất hiểu suy nghĩ của các em, có thể giao tiếp bằng cả tiếng
Kinh và tiếng H' re, nên dễ đồng cảm, từ đó có cách dạy phù hợp hơn để các em
không tự ti, mặc cảm khi đến lớp. Cô Lê Nữ Cầm Duyên, Phó Trưởng phòng Giáo dục
và Đào tạo huyện Minh Long cho hay: Cô giáo Miết là người có năng lực chuyên môn.
Ngành giáo dục của huyện rất cần những giáo viên người dân tộc thiểu số như thế.
Cô giáo Miết là cá nhân vừa đảm việc nhà, giỏi việc trường.
Theo: Vĩnh Trọng (Nguồn: baotintuc.vn)