Xe máy cũ chở ước mơ của cô gái Nùng

09:48 AM 10/12/2015 |   Lượt xem: 2171 |   In bài viết | 

Quê hương của Vi Thị Vân là vùng đất nghèo của xã vùng sâu, vùng xa Bình Lãng, huyện Thông Nông (Cao Bằng). Sinh ra trong một gia đình thuần nông, kinh tế có phần khó khăn, nên từ nhỏ cô bé Vi Thị Vân (sinh năm 1997) đã sớm biết chịu thương, chịu khó, chăm chỉ học tập và giúp đỡ cha mẹ việc nhà. Và cũng lạ, xinh xắn, dễ thương với mái tóc dài đen nhánh, nhưng Vi Thị Vân lại sớm có một ước mơ khá “mạnh mẽ”: Trở thành nữ chiến sỹ công an nhân dân, để góp công sức nhỏ bé của mình giữ bình yên cho quê hương, đất nước.

Giống như nhiều học sinh vùng cao khác, Vi Thị Vân sớm tự lập, từ những năm cấp 2, em đã bắt đầu cuộc sống xa gia đình tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Thông Nông, cách nhà 15 km. Những ngày đầu của cuộc sống xa nhà, không có vòng tay của cha mẹ quả thật không dễ dàng, nhất là với cô bé mới 12 tuổi. Vân đã mất ăn, mất ngủ cả tháng trời mới quen được, nhiều lúc chỉ muốn bỏ học về nhà. “Chính bố là chỗ dựa tinh thần cho em những ngày ấy. Biết con gái buồn, bố thường xuyên gọi điện cho em, kể cho em chuyện nhà, chuyện hàng xóm, láng giềng, chuyện đàn lợn, đàn gà ở nhà đang lớn ra sao... Rồi bố động viên em hãy cố gắng phấn đấu học tập tốt, để tương lai còn về giúp quê hương. Nhờ đó, mà em có thêm động lực để phấn đấu, cố gắng học thật tốt để giúp đỡ bố mẹ”, Vân kể lại.

Lâu dần Vân cũng quen với cuộc sống, sinh hoạt ở trường. Vân bảo, em luôn tự nhủ, những gì mình phải trải qua chưa thấm vào đâu so với những vất vả mà bố mẹ đang nỗ lực hằng ngày để nuôi hai chị em Vân ăn học. Nếu không học tốt, nếu vẫn nghĩ tới việc bỏ học là phụ công bố mẹ...

Mỗi lần được nghỉ học về thăm nhà, niềm hạnh phúc lớn nhất của Vân là được nhìn thấy hình ảnh bố ngồi bên chiếc xe máy cũ kỹ ở cổng trường chờ đón con gái. Dù nhà cách xa trường, nhưng bố Vân luôn nhất quyết lên đón Vân, bất kể trời mưa hay nắng. “Cứ như vậy, đều đặn hàng tháng, bố em lại lọc cọc chiếc xe máy cũ từ nhà lên trường đón con gái, rồi lại trên chính chiếc xe đó, bố chở Vân về trường để tiếp tục học tập. Nhiều hôm trời mưa, đường lầy lội, khó đi, xe máy lại cũ nên bố phải điều khiển xe rất vất vả. Cũng có hôm đang trên đường chở em lên trường thì xe máy của bố bị hỏng. Thế là bố lại kỳ cạch sửa xe mất cả tiếng đồng hồ, sau đó hai bố con lại tiếp tục cuộc hành trình. Vất vả là vậy nhưng bố không bao giờ cáu gắt, lúc nào cũng nở nụ cười và động viên em”, Vân rơm rớm nước mắt khi nhắc về người bố của mình.

Lên cấp 3, Vi Thị Vân lại tiếp tục xa gia đình lên học tập tại Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc (Thái Nguyên). Lần này, quãng đường từ trường về nhà nối dài hơn, tới tận 200 km, những ngày về chơi, thăm nhà của Vân chỉ được tính đếm trên đầu ngón tay. Vân chia sẻ: “Tuy xa nhà đã lâu, nhưng những ngày đầu ở trường mới, em vẫn không tránh khỏi những bỡ ngỡ, rồi nhớ nhà, nhớ bố mẹ da diết, chỉ muốn buông xuôi tất cả để chạy về nhà”. Và những lúc như vậy, những cuộc điện thoại của bố và gia đình với Vân lại như dài hơn, nhiều hơn, giúp em nguôi ngoai được nỗi buồn vắng, trống trải.

Vân tâm sự, gia đình, bố mẹ luôn là nguồn cổ vũ, động lực lớn nhất để em cố gắng học tập. Hiện tại, gia đình còn gặp nhiều khó khăn, nên những lúc nông nhàn, bố mẹ em lại phải tìm công việc làm thêm để có đồng ra đồng vào. Biết rằng bố mẹ và bà con quê hương còn nhiều khó khăn, nên Vân luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa để không phụ lòng mong mỏi của mọi người dành cho em.

Thành tích học tập của Vi Thị Vân khiến nhiều bạn bè nể phục. Từ những năm học cấp I, em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Bốn năm cấp II và 3 năm cấp III Vân đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm lớp 9, Vân giành giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh môn lịch sử; lớp 11, Vân đạt giải khuyến khích cấp quốc gia môn lịch sử và vinh dự được tiếp kiến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Lên lớp 12, em đạt giải ba cấp quốc gia môn lịch sử. Vân cũng đạt 2 Huy chương Vàng kỳ thi Trại hè Hùng Vương môn lịch sử...

Theo: Quỳnh Như (Nguồn: baotintuc.vn)