Chỉ thị về việc bước đầu củng cố các tổ chức cơ sở vùng dân tộc thiểu số (29-11-1957)

03:43 PM 31/10/2015 |   Lượt xem: 12731 |   In bài viết | 

1- Vùng dân tộc thiểu số miền Bắc nước ta rộng, có một vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế và quân sự. Nhiều nơi đã có cơ sở Đảng, nhưng còn nhiều nơi chưa có, hoặc cơ sở Đảng còn yếu.

a) Nơi đã có cơ sở Đảng nhìn chung trong đấu tranh cách mạng, trong việc chấp hành các chính sách và công tác phục vụ kháng chiến, trong cuộc vận động thành lập các Khu tự trị, đoàn kết các dân tộc, nâng cao mức sống nhân dân, đóng góp cho Nhà nước và giữ gìn trật tự an ninh, nhiều chi bộ, đảng viên và cán bộ ngoài Đảng đã đạt nhiều thành tích. Trong việc phát động quần chúng giảm tô, cải cách ruộng đất và trong một vài công tác khác ta đã phạm một số sai lầm, làm tổn thất một phần lực lượng và ảnh hưởng của Đảng. Nhưng những sai lầm ấy về căn bản đã được sửa chữa. Hiện nay tình hình chi bộ và các tổ chức cơ sở của chính quyền, đoàn thể quần chúng đã tiến bộ hơn trước, tinh thần trách nhiệm của đảng viên, cán bộ xã được nâng cao một phần, nội bộ đoàn kết hơn, một số nơi đã bầu lại chi uỷ, kiện toàn Uỷ ban, công an, xã đội và ban chấp hành các đoàn thể quần chúng.

Hiện nay những vấn đề còn lại cần được giải quyết là:

- Về tư tưởng đảng viên, cán bộ xã: Tư tưởng mệt mỏi nghỉ ngơi khá phổ biến (lười sinh hoạt, hoạt động cầm chừng, không nhận công tác, thậm chí một số đảng viên xin ra Đảng...). Một số đảng viên chưa thông với giá cả mậu dịch, chưa nhận rõ ý nghĩa của việc đổi công hợp tác. Hiện tượng thành kiến giữa một số đảng viên, cán bộ dân tộc này với cán bộ, đảng viên dân tộc khác vẫn còn, có khi gây thành bè phái đối lập nhau, giữa một số đảng viên, cán bộ bị quy sai, bị đả kích và đảng viên, cán bộ đi buôn lậu, nghiên hút, cờ bạc, mê tín, dị đoan nặng, ảnh hưởng đến sự tín nhiệm của quần chúng đối với Đảng, đến tinh thần công tác.

- Về tổ chức: Hiện nay phổ biến là chi bộ sinh hoạt thất thường (chỉ phổ biến chỉ thị và công tác ở hội nghị đại biểu quân dân chính) sinh hoạt chi bộ thường là để phổ biến công tác, ít có tác dụng chính trị và tác dụng giáo dục. Các Ban chi uỷ, Uỷ ban nhiều nơi năng lực kém, một số uỷ viên lười công tác, kém tác dụng.

Trong số chi bộ đảng viên kém tác dụng chiếm từ 20 đến 40%. Ngoài ra cũng có cá biệt một ít phần tử xấu.

Sở dĩ có tình trạng trên là do: đảng viên và cán bộ xã ở miền núi nói chung là tốt và ít nhiều đã được rèn luyện trong đấu tranh cách mạng. Nhưng trình độ giác ngộ của họ còn thấp, tình hình và nhiệm vụ cách mạng đã chuyển biến mà tư tưởng theo không kịp. Và lãnh đạo thì các cấp trên còn chưa chú ý đầy đủ đến việc củng cố các tổ chức cơ sở, việc giáo dục nâng cao trình độ chính trị và tư tưởng cho đảng viên, cán bộ xã còn bị coi nhẹ, chỉ đạo hàng ngày của Huyện uỷ chưa được sát. ít giúp đỡ được chi bộ (có chi bộ hàng năm không có Huyện uỷ viên nào đến). Một số chính sách cụ thể đối với cán bộ xã và đối với cán bộ miền núi (đãi ngộ về vật chất, tinh thần, khen thưởng, v.v.) nói chung chưa được quy định và chấp hành tốt. Việc sửa chữa sai làm trong giảm tô và cải cách ruộng đất không thể giải quyết triệt để trong một thời gian ngắn. Về khách quan thì công tác miền núi có nhiều khó khăn, đất rộng, phương tiện ít, liên lạc khó khăn, không cùng một tiếng nói, v.v.

b) Những nơi chưa có cơ sở Đảng: Hiện còn 755 xã trong số gần 1.800 xã vùng dân tộc thiểu số (phần nhiều là thuộc vùng biên giới rẻo cao, và thuộc các dân tộc ít người), chưa có cơ sở Đảng. Đặc điểm chung ở những nơi này là: quần chúng đã được giáo dục ít nhiều, hiểu biết một phần về Chính phủ và chế độ ta; có một số quần chúng hăng hái công tác, hăng hái chấp hành và ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ, hiện nay đang là trung kiên xuất sắc, làm cán bộ xã, xóm. Nhưng nói chung thì phải nhận ở những nơi này cơ sở quần chúng yếu và hoạt động không đều, cán bộ địa phương ít và trình độ giác ngộ còn thấp, chênh lệch nhau. Ở nhiều nơi mâu thuẫn dân tộc còn tồn tại tương đối sâu sắc, quần chúng lớp trên còn nhiều tư tưởng lạc hậu, nghi ngờ ta. Tất cả những điều nói trên đã ảnh hưởng một phần đến ý thức của chấp hành các chính sách và công tác và ở một vài nơi, địch đã lợi dụng gây chia rẽ, phá hoại, tạo ra tình trạng căng thẳng trong nhân dân.

2- Căn cứ vào tình hình các tổ chức cơ sở như đã nói trên, căn cứ vào tính chất trọng yếu của công tác ở vùng dân tộc thiểu số, việc củng cố các tổ chức cơ sở vùng dân tộc thiểu số là một vấn đề rất trọng yếu, cần phải tích cực làm cho có kết quả.

Phải củng cố các tổ chức cơ sở Đảng cũng như các tổ chức chính quyền, đoàn thể quần chúng; phải củng cố nơi đã có cơ sở Đảng, và nơi chưa có cơ sở Đảng, phải nâng cao tư tưởng và củng cố tổ chức. Phải tuỳ theo tình hình cụ thể mở ra từng đợt để củng cố, có sự chỉ đạo và giúp đỡ chặt chẽ với việc thực hiện các chính sách và công tác hàng ngày mà tiến hành việc củng cố một cách thường xuyên, lâu dài. Phải củng cố và nâng cao tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng, phải tăng cường việc tuyên truyền giáo dục, nâng cao trình độ giác ngộ của đông đảo nhân dân nói chung, v.v...

Đối với toàn bộ công tác củng cố cơ sở nói trên, các cấp uỷ Đảng ở vùng dân tộc thiểu số phải nhận rõ đầy đủ trách nhiệm của mình, có tinh thần tích cực và tự động công tác, có kế hoạch cụ thể toàn diện, và tiến hành dần dần từng bước. Ban Bí thư sẽ tiếp tục có những chỉ thị, nghị quyết cần thiết để giúp đỡ các địa phương. Trong thời gian trước mắt, phải mở một đợt giáo dục ngắn ngày cho đảng viên và cán bộ xã, nhằm nâng cao trình độ chính trị và tư tưởng, nâng cao tác dụng của đảng viên, cán bộ xã, khôi phục lại hoạt động của các chi bộ không sinh hoạt. Yêu cầu cụ thể của đợt giáo dục này là: nâng cao nhận thức về tinh thần và nhiệm vụ trước mắt, làm cho cán bộ, đảng viên thông suốt một số chính sách và công tác, nâng cao tinh thần trách nhiệm ý thức Đảng, giải quyết tư tưởng mệt mỏi, nghỉ ngơi củng cố đoàn kết nội bộ, tăng cường quan hệ tốt giữa đảng viên, cán bộ và quần chúng; đẩy mạnh việc thực hiện các công tác trước mắt của Đảng. Nội dung học tập gồm mấy vấn đề:

a) Tình hình nhiệm vụ trước mắt.

b) Mấy chính sách và công tác lớn hiện nay như: sản xuất cải thiện đời sống, tổ chức tổ đổi công, chính sách đoàn kết dân tộc, chính sách thu mua, công tác vùng rẻo cao và chính sách giữ gìn trật tự an ninh v.v. (tuỳ từng vùng khác nhau mà nhấn mạnh vấn đề gì).

c) Mục tiêu phấn đấu của Đảng và nhiệm vụ đảng viên .

Ban Tuyên huấn trung ương và Ban Dân tộc Trung ương sẽ soạn một đề cương tóm tắt về nội dung học tập nói trên, các Khu uỷ, Tỉnh uỷ sẽ căn cứ vào bản đề cương và căn cứ vào tình hình cụ thể địa phương mình mà soạn thành tài liệu học tập cho thích hợp. Cần chú ý nội dung tài liệu học tập phải sát với đặc điểm từng địa phương, từng dân tộc khác nhau và sát với trình độ đảng viên, cán bộ miền núi.

Đối với những nơi chưa có cơ sở Đảng, phải rất coi trọng việc giáo dục (không nên chỉ chú ý nơi đã có cơ sở Đảng) và nói chung phải coi trọng việc giáo dục cho cán bộ ngoài Đảng (không nên chỉ chú ý việc giáo dục đảng viên). Nội dung giáo dục cho cán bộ ngoài Đảng cũng giống như giáo dục đảng viên, nhưng về phần mục tiêu phấn đấu của Đảng và nhiệm vụ đảng viên thì đổi thành "mục tiêu phấn đấu của chính quyền dân chủ nhân dân, của toàn thể nhân dân và nhiệm vụ người cán bộ cách mạng", với nội dung thích hợp, nhưng trong toàn bộ nội dung giáo dục cho quần chúng cũng nên tuỳ tình hình cụ thể mà giải thích cho họ hiểu ít nhiều về Đảng. Đối với những người thuộc tầng lớp trên, có thể tổ chức nói chuyện riêng, chứ không triệu tập đến lớp học chung.

Những nơi có những cán bộ trước đã từng tham gia hoạt động cách mạng, nhưng vì đau yếu, chán nản, bất mãn và về xã nằm thì lần này cần cố gắng kêu gọi, động viên anh chị em tham gia học tập để giải quyết tư tưởng, sau đó tuỳ tình hình cụ thể mà giao công tác.

Để cho việc giáo dục nói trên thu được kết quả tốt, việc đào tạo giảng viên là rất quan trọng. Nên tập trung một số huyện uỷ viên, uỷ viên Uỷ ban, cán bộ huyện và điều động thêm một số cán bộ của khu, tỉnh, có khả năng làm giảng viên (hết sức chú trọng lấy nhiều người dân tộc thiểu số) để thực sự học trước theo chương trình giảng cho xã (không phải chỉ nghiên cứu sơ lược mục đích, yêu cầu, phương châm, phương pháp) rồi cho họ đi giảng ở các lớp giáo dục đảng viên.

Nên tổ chức cho đảng viên học trước, cán bộ ngoài Đảng học sau (trừ nơi chưa có cơ sở Đảng).

3- Về vấn đề phát triển đảng viên ở vùng dân tộc thiểu số.

Hiện nay cơ sở Đảng ở vùng dân tộc thiểu số nói chung yếu. Việc xây dựng cơ sở Đảng ở những nơi chưa có, phát triển và củng cố Đảng ở nơi cơ sở yếu là một việc rất quan trọng. Việc phát triển Đảng thì được coi trọng và có kế hoạch tiến hành một cách tích cực.

Căn cứ vào tình hình phong trào ở vùng dân tộc thiểu số còn kém, trình độ giác ngộ của quần chúng còn thấp, việc phát triển Đảng không thể làm một cách nóng vội mà phải theo phương châm kiên trì, nhẫn nại. Phát triển đảng viên ở nơi cần thiết (tức là những nơi chưa có cơ sở hoặc cơ sở còn yếu, ở những nơi xung yếu) nhưng cũng chỉ có thể phát triển đảng viên ở nơi có điều kiện (tức là những nơi đã có phong trào khá, xuất hiện những phần tử tích cực đã được thử thách ít nhiều. Về chủ quan ta cũng có khả năng tiến hành công tác phát triển Đảng).

Hướng phát triển đảng viên là nhằm vào thành phần nông dân lao động ở các xã (chủ yếu là những người bị áp bức bọc lột) vào cán bộ thoát ly ở các cơ quan. Đối với con cái của người ở tầng lớp trên là cán bộ xã giác ngộ tốt, lập trường đã cải tạo, đã trải qua thử thách, đã kiểm tra kỹ lưỡng thì cũng có kết nạp một số nhưng phải qua Tỉnh uỷ chuẩn y. Chú trọng nhiều vào người các dân tộc nhưng nếu có người Kinh giác ngộ tốt, đủ điều kiện cũng không phải kết nạp. Đối với các xí nghiệp, công trường, nông trường thì vẫn phải chú trọng việc phát triển Đảng như ở vùng xuôi (theo Chỉ thị số 5/CT-TƯ của Trung ương).

Về đối tượng phát triển Đảng và điều kiện người được kết nạp vào Đảng, căn bản như quy định trong điều lệ Đảng và chỉ thị số 5. Nhưng vì tình hình đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số, cần châm chước ở điều kiện "giác ngộ về Đảng và về giai cấp" như sau:

Yêu cầu hiểu rõ cần đánh đuổi đế quốc, xoá bỏ phong kiến, xây dựng đất nước, xoá bỏ bóc lột mới được tự do hạnh phúc; yêu cầu phải tích cực công tác, tin tưởng yêu mến Đảng, Chính phủ, v.v. tránh đòi hỏi họ phải nói năng hoạt bát, phải hoàn toàn bỏ mê tín dị đoan, v.v...

Ngoài công tác giáo dục, cần giải quyết mấy vấn đề về tổ chức, chủ yếu là khôi phục sinh hoạt của chi bộ và tổ Đảng, làm cho sinh hoạt dần dần vào nề nếp và có tác dụng nâng cao tư tưởng và năng lực công tác lãnh đạo của mỗi đảng viên. Phải thường xuyên chú ý vấn đề khen thưởng kỷ luật. Đối với những chi bộ kém, Huyện uỷ cần phải cử cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm về tận nơi nghiên cứu tìm ra nguyên nhân, lập kế hoạch cụ thể để củng cố và có cán bộ trực tiếp phụ trách củng cố. 4- Để đảm bảo cho việc củng cố cơ sở vùng dân tộc thiểu số làm được tốt, phải kiện toàn sớm cấp Huyện và cấp Tỉnh. Cần kiện toàn cấp uỷ Đảng, Uỷ ban hành chính và các cơ quan giúp việc, kiện toàn bằng người, bằng cách đề bạt thêm từ dưới lên và bằng cách điều động một số cán bộ có năng lực, có uy tín của địa phương đang làm công tác ở nơi khác trở về địa phương công tác. Phải nhận rõ giá trị của cán bộ thiểu số, cán bộ địa phương để có thể mạnh bạo đề bạt cán bộ thiểu số, cán bộ địa phương (không phải vì thế mà đề bạt ẩu). Phải kiện toàn lề lối lãnh đạo, lề lối công tác, chống quan liêu, bớt giấy tờ. Cán bộ Tỉnh, Huyện phải chịu khó lăn xuống xã chuyền đạt chủ trương và trực tiếp giúp đỡ xã giải quyết các khó khăn và đặc biệt chú ý đào tạo cán bộ xã.

Các Khu uỷ cần có kế hoạch kiện toàn Huyện, Tỉnh và tích cực giải quyết trong mấy tháng cho có kết quả bước đầu.

Việc củng cố các tổ chức cơ sở vùng dân tộc thiểu số rất trọng yếu. Nhận được chỉ thị này các cấp uỷ Đảng cần nghiên cứu kỹ và căn cứ vào tình hình địa phương định kế hoạch tích cực thi hành.

Ngày 29 tháng 11 năm 1957

T.M. BAN BÍ THƯ

Đã ký: Nguyễn-Duy-Trinh

(Văn kiện của Đảng về Chính sách Dân tộc, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1965, tr. 74-82.)