Tháo gỡ vướng mắc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc

10:03 PM 14/02/2023 |   Lượt xem: 12271 |   In bài viết | 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến với các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc về kết quả thực hiện 3 Chương trình MTQG và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo, đại diện Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; lãnh đạo, đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động, Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo. Về phía Ủy ban Dân tộc có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG).

Lãnh đạo 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc gồm: Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang tham dự Hội nghị theo hình thức trực tuyến.

Đây là Hội nghị thứ hai do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 chủ trì với các vùng trên cả nước, nhằm rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các Chương trình MTQG.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với huyện Ngân Sơn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn huyện.

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn còn nhiều khó khăn, địa hình đồi núi chia cắt phức tạp, có ý nghĩa quan trọng về địa chính trị, quốc phòng, an ninh với diện tích rộng lớn, chiếm gần 1/3 diện tích cả nước, nhưng chỉ có khoảng 14,7 triệu người sinh sống, chiếm tỷ lệ 15,2% dân số cả nước, trong đó người DTTS chiếm gần 50% dân số.

Đời sống Nhân dân tại một số khu vực vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo bình quân năm 2022 của vùng là 17,4%, cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước là 5,2%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới bình quân của vùng năm 2022 đạt khoảng 43,6%, so với bình quân chung của cả nước là khoảng 72%; thu ngân sách còn hạn chế, cần hỗ trợ nhiều từ ngân sách Trung ương.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Trung ương giao và 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc hoàn thành phân bổ tổng vốn đầu tư phát triển là 44.185,172 tỷ đồng, chiếm 44,18% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cho các địa phương trên cả nước.

Năm 2022, ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện 3 Chương trình MTQG cho vùng là 15.444,801 tỷ đồng (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển sang năm 2022), chiếm 45,36% tổng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho toàn quốc, trong đó, vốn đầu tư phát triển là 11.284,974 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 4.159,827 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Đoàn cồn tác dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Thanh niên xung phong Nà Tu.

Về vốn địa phương, 13/14 tỉnh trong vùng (trừ Hòa Bình) đã bố trí 2.084,604 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương để thực hiện 3 chương trình.

Năm 2023, tổng vốn ngân sách Trung ương giao cho các địa phương trong vùng là 10.874,152 tỷ đồng. Đến ngày 31/1, có 13/14 tỉnh đã hoàn thành việc phân bổ vốn, còn Tuyên Quang đang khẩn trương hoàn thành thủ tục, dự kiến giao hết vốn trong tháng 2.

Về kết quả giải ngân vốn ngân sách Trung ương, tính đến ngày 31/12/2022, các tỉnh trong vùng giải ngân đạt trên 40,54%, cao hơn so mức với bình quân chung của cả nước (37,73%), và của 5 tỉnh Tây Nguyên (34,77%).

Tại Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh đã tập trung báo cáo với Phó Thủ tướng những vướng mắc về thể chế, những khó khăn nội tại của các tỉnh trong quá trình thực hiện các chương trình MTQG tại khu vực.

Theo Báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về xây dựng hành lang pháp lý, để thực hiện các chương trình, các địa phương trong vùng phải ban hành văn bản quản lý, điều hành theo thẩm quyền đối với 11 nội dung, trong đó có 6 nội dung bắt buộc, 5 nội dung các địa phương ban hành tùy theo tình hình thực tế.

Tuy nhiên, đến nay, hệ thống khung chính sách vẫn chưa hoàn thiện, còn tâm lý e ngại rủi ro và đợi chờ hướng dẫn cụ thể của cơ quan cấp trên nên công tác giải ngân vẫn còn hạn chế.

Các tỉnh trong vùng có tổng cộng 111 kiến nghị, đề xuất thuộc trách nhiệm trả lời của 13 bộ, cơ quan Trung ương, trong đó có việc sớm hoàn tất ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình, dự án; sớm sửa đổi những nội dung chồng chéo, chưa rõ trong các văn bản hướng dẫn đã ban hành, bảo đảm tính khả thi.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A lềnh phát biểu tại Hội nghị

Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương trực tiếp giải đáp những phản ánh, kiến nghị của các địa phương đồng thời cập nhật tình hình ban hành các văn bản hướng dẫn còn lại thuộc thẩm quyền.

Tại Hội nghị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG đã giải đáp cụ thể những kiến nghị của các địa phương thuộc trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc.

Để triển khai hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 nói riêng, các Chương trình MTQG nói chung, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đề nghị các bộ, ngành hoàn thiện các văn bản hướng dẫn. Đối với các địa phương cũng nhanh hoàn thiện hệ thống văn bản triển khai thực hiện Chương trình thuộc thẩm quyền của địa phương. Đồng thời tăng cường nguồn nhân lực triển khai thực hiện Chương trình, đặc biệt là đối với các cơ quan chủ trì các Chương trình MTQG; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường công tác phối hợp giữa Trung ương với địa phương, giữa sở, ngành của địa phương nhằm phục vụ các cuộc giám sát tối cao của Quốc hội về thực hiện các Chương trình MTQG; việc đánh giá giữa kỳ các Chương trình MTQG; chuyển đổi số thực hiện Chương trình MTQG…

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ với những khó khăn, thách thức rất lớn của các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đặc biệt đây là địa bàn có địa hình đồi núi chia cắt phức tạp; tỷ lệ hộ nghèo bình quân cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước; thu ngân sách còn hạn chế, cần hỗ trợ nhiều từ ngân sách Trung ương…

Phó Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương các tỉnh trong vùng, dù còn điều kiện còn rất khó khăn, đã rất nỗ lực, trách nhiệm trong tổ chức triển khai các chương trình MTQG, đạt tỷ lệ giải ngân bình quân trên 40,54%, cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước (37,73%) và của 5 tỉnh Tây Nguyên (34,77%) tính đến ngày 31/12/2022.

Ghi nhận ý kiến của các địa phương trong vùng, Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành Trung ương tổng hợp đầy đủ ý kiến từ địa phương sau 3 hội nghị với các vùng trên cả nước để chuẩn bị cho hội nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 2, đầu tháng 3.

Đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Phó Thủ tướng giao Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - 3 cơ quan chủ trì 3 Chương trình MTQG chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan để giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung ban hành các văn bản hướng dẫn được giao theo thẩm quyền; tăng cường phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc cụ thể vì cùng một mặt bằng pháp lý vẫn có những địa phương đạt tỷ lệ giải ngân rất cao.

Trước đó, sáng 13/2, tại Trụ sở UBND xã Thượng Quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có buổi làm việc với huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn huyện.

Đây là chuyến khảo sát thực tế thứ hai của Phó Thủ tướng với các vùng trên cả nước để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở trong quá trình triển khai các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, để đề ra những giải pháp thiết thực thúc đẩy tiến độ thực hiện các chương trình này.

(baodantoc.vn)