Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Cao Bằng lần thứ IV - năm 2024 thành công tốt đẹp
03:54 PM 05/11/2024 | Lượt xem: 744 In bài viết |Tham dự Đại hội có: Ông Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Hoàng Xuân Ánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các vụ thuộc Ủy ban Dân tộc; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; Anh hùng Lực lượng vũ trang, Mẹ Việt Nam Anh hùng, văn nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu của tỉnh.
Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Cao Bằng lần thứ IV diễn ra vào thời điểm, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kỷ niệm 525 năm thành lập tỉnh Cao Bằng.
Giai đoạn 2019 - 2024, toàn tỉnh bình quân giảm trên 4%/ năm giảm số hộ nghèo, cận nghèo (chỉ tiêu đặt ra là giảm trên 3%/năm). Đại hội lần thứ III - năm 2019 đặt chỉ tiêu đến năm 2024, thu nhập bình quân người/năm trên 35 triệu đồng/người/năm thì dự kiến cuối năm 2024, thu nhập bình quân của tỉnh ước đạt 46,98 triệu đồng/người/năm.
Với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Cao Bằng đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, Đại hội đã đánh giá những thành tựu, kết quả đã đạt được trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; trong công tác phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2019 - 2024; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh giai đoạn 2024 - 2029.
Phát biểu khai mạc Đại hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Văn Thạch khẳng định, giai đoạn 2019 - 2024, tình hình kinh tế, đời sống vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm; trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đồng bào các dân tộc phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo và đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, tích cực lao động, sản xuất phát triển kinh tế.
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện, giảm dần khoảng cách phát triển giữa vùng DTTS với các vùng khác. Các chính sách, chương trình, dự án triển khai trong vùng đồng bào DTTS, trọng tâm là các Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục được quan tâm thực hiện; các hoạt động chăm lo vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS được quan tâm triển khai.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà phát biểu tại Đại hội. (Ảnh: Hoàng Điệp)
Các cấp, các ngành, địa phương đã tập trung lãnh đạo và triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2019 - 2024 có sự phục hồi và phát triển tích cực. Mặc dù tăng trưởng kinh tế có chậm lại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng cơ cấu kinh tế vẫn tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng.
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 3,31%/năm. Năm 2023, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 21,21%, giảm 1,88% so với năm 2020; tỷ trọng dịch vụ chiếm 56,83%, tăng 3,58% so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 41,49 triệu đồng/người/năm, tăng 16% so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 4 %.
Hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở ở vùng đồng bào DTTS tiếp tục được đầu tư xây dựng và nâng cấp; công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc được phát huy; chất lượng giáo dục từng bước nâng lên, quy mô trường, lớp học ở vùng đồng bào DTTS ngày càng mở rộng; công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi có nhiều chuyển biến; 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người DTTS sống ở vùng khó khăn, người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế.
Tình hình an ninh, trật tự xã hội vùng đồng bào DTTS cơ bản ổn định. Các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thay mặt Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà tặng lẵng hoa chúc mừng Đại hội. (Ảnh: Hoàng Điệp)
Mặc dù nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, song với xuất phát điểm thấp, điều kiện địa lý, tự nhiên không thuận lợi, do vậy kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ DTTS nghèo và nguy cơ tái nghèo còn ở mức cao. Khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển so với các vùng khác chậm được rút ngắn. Mức độ tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản còn hạn chế.
Tại Đại hội, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi những kinh nghiệm hay, những bài học quý, thống nhất mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và những bài học đúc rút được trong thực hiện các chương trình, đề án từ những năm qua, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2029 phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS; đẩy mạnh giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; giảm dần xã, xóm đặc biệt khó khăn; từng bước hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Tỉnh cũng sẽ tiếp tục chú trọng phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS; tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS; củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giữ vững khối Đại đoàn kết các dân tộc, bảo đảm ổn định an ninh, quốc phòng.
Việc thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc trên địa bàn sẽ tiếp tục củng cố và tăng cường khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh, như: Đến năm 2029, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; trên 95% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; trên 90% phòng học được kiên cố hóa trên 90%; trên 40% trường đạt chuẩn quốc gia; 85% trở lên trụ sở xã được xây dựng kiên cố; giảm số hộ nghèo, cận nghèo bình quân trên 4%/năm; thu nhập bình quân người trên 55 triệu đồng/người/năm;...
Các đại biểu dự Đại hội
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Nông Thị Hà bày tỏ vui mừng trước thành tựu trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm khẳng định, Đại hội là một sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, một biểu tượng đặc biệt về khối Đại đoàn kết gắn bó “keo sơn” giữa các dân tộc Việt Nam.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm ghi nhận và đánh giá cao kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Cao Bằng. Kết quả 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh đã góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng nông thôn miền núi, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo vùng đồng bào các DTTS. Tăng cường khối Đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của đồng bào DTTS vào vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy chính quyền.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Thị Hà, hiện đời sống của một bộ phận Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS còn cao; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường chuyển biến chậm. Việc triển khai một số chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS còn chậm; tỷ lệ giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, đặc biệt là vốn sự nghiệp.
Nhân dịp này, Ủy ban Dân tộc đã tặng Bằng khen 1 tập thể, 5 cá nhân có thành tích trong công tác dân tộc và chính sách dân tộc giai đoạn 2019 - 2024; 3 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc"; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen 8 tập thể, 24 cá nhân có thành tích trong công tác dân tộc và chính sách dân tộc giai đoạn 2019 - 2024.
Cao Bằng là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, thuộc phía Đông Bắc của Tổ quốc. Có 10 đơn vị cấp huyện, thành phố gồm: 1 thành phố, 9 huyện và 161 xã, phường, thị trấn trong đó: 33 xã, phường thuộc khu vực I có 43 thôn đặc biệt khó khăn; 4 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực II có 15 thôn đặc biệt khó khăn; 124 xã thuộc khu vực III có 938 thôn đặc biệt khó khăn; có 7 huyện biên giới, 40 xã, thị trấn biên giới; có 7 huyện nằm trong 74 huyện nghèo nhất cả nước. Dân số toàn tỉnh hiện có 537.978 người; với 35 thành phần dân tộc, nhưng chủ yếu chỉ có 8 dân tộc cùng sinh sống lâu đời, trong đó dân tộc Tày chiếm 40,97%; Nùng 31,08%; Mông 10,13%; Dao 10,08%; Kinh 5,76%; Sán Chỉ 1,39%; Lô Lô 0,47%; Hoa 0,03%; dân tộc khác 0,09%.
(baodantoc.vn)