Đổi thay ở vùng biên Quảng Trị

01:58 PM 03/10/2015 |   Lượt xem: 2407 |   In bài viết | 

Hướng Việt là một trong những xã biên giới vùng sâu, vùng xa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Những năm trở lại đây, nhờ biết vận dụng có hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như sự lãnh đạo sâu sát của chính quyền địa phương, đến nay Hướng Việt đã có những bước chuyển biến vượt bậc, trở thành một trong những điểm sáng vùng biên giới Việt - Lào.

Đời sống bà con Vân Kiều giờ đã ấm no và ổn định hơn rất nhiều kể từ lúc tách ra từ xã Hướng Lập (năm 2004). Nếu trước đây dân bản chỉ biết đốt nương làm rẫy, sống nay đây mai đó với tập quán truyền thống “chặt, đốt, cốt, trỉa” thì nay đã định cư ở vùng đất mới để làm ăn. Xã Hướng Việt là vùng đất có điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi, khí hậu lại rất khắc nghiệt nên chính quyền địa phương đã chủ động đi tắt đón đầu nhanh chóng tiếp cận khoa học kỹ thuật và các dự án 134, 135 và các dự án khác, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, biết lựa chọn những mô hình sản xuất thích hợp để tập trung phát triển đúng hướng.

Tổng diện tích gieo trồng tính hết năm 2015 là 192 héc-ta. Đàn gia súc, gia cầm không ngừng tăng số lượng cũng như chất lượng sản phẩm, bà con chủ động tiêm phòng đảm bảo không cho dịch bệnh lây lan toàn xã. Cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm… dần được bê tông, nhựa hóa, cao tầng hóa, từng bước làm thay da, đổi thịt xã Hướng Việt ngày hôm nay.

Hướng Việt có 15 km đường biên với 5 cột mốc quốc gia nên việc bảo đảm an ninh biên giới được chính quyền quan tâm đặc biệt. Nổi bật hơn cả là việc kết nghĩa bản - bản giữa bản Ka Tiêng xã Hướng Việt và bản Avia Cụm Ra Cồ huyện Sê Phôn (Lào). Thông qua đó, nhân dân các bản đối diện cùng nhau trao đổi kinh nghiệm làm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tạo điều kiện thông thoáng cho việc lưu thông trao đổi hàng hóa. Đặc biệt, lực lượng quản lý hai bên biên giới tin cậy nhau hơn, kịp thời thông tin trao đổi cùng nhau giải quyết tốt những tình hình có liên quan đến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới.

Lam Ngọc (Báo Công Thương)