Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh dự buổi làm việc với tỉnh Thái Nguyên về lĩnh vực giáo dục
03:20 PM 12/09/2022 | Lượt xem: 2883 In bài viết |Dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT; Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên. Tham dự buổi làm việc có các đồng chí lãnh đạo Bộ GD&ĐT; lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, UBDT.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua, tỉnh luôn dành quan tâm đầu tư cho phát triển GD&ĐT. Nhằm định hướng và nâng cao chất lượng giáo dục cho cả giai đoạn, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, UBND tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết nghị, thông qua chương trình phát triển GD&ĐT giai đoạn 2021-2025 với tổng số kinh phí trên 20.727 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Thái Nguyên
Mạng lưới trường lớp các cấp học được củng cố, phát triển đều khắp, đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh. Thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế, hiện nay, tổng số biên chế giáo viên thiếu so với định mức quy định của toàn ngành là 5.987 biên chế. Tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tổng kinh phí thực hiện đề án là trên 80 tỷ đồng.
Tỉnh đã hỗ trợ máy tính bảng và điện thoại thông minh trao tặng cho 4.771 học sinh thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn không có thiết bị bảo đảm 100% học sinh toàn tỉnh có đủ thiết bị học tập trực tuyến, đã hoàn thành Chương trình “Sóng và máy tính cho em” vào tháng 02/2022.
Tỉnh Thái Nguyên ban hành quy định vùng tuyển sinh vào các trường PTDTNT của tỉnh Thái Nguyên, đảm bảo công tác tuyển sinh cho các trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng trường PTDTNT, PTDTBT, các trường đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động con em nhân dân đến lớp, đồng thời tổ chức tốt các hoạt động giáo dục và giáo dục đặc thù theo quy định.
Trong năm học, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 và kế hoạch tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, sách giáo khoa, đồ dùng dạy học cho cả giai đoạn, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Đề án “Đảm bảo cơ sở vật chất cho các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025”, tổng kinh phí dành cho Đề án là trên 2.800 tỷ đồng. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được tỉnh quan tâm chỉ đạo, đầu tư hiệu quả, hiện nay, toàn tỉnh có 592/683 trường học các cấp đạt trường chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 86,68%.
Tỉnh Thái Nguyên kiến nghị Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan quan tâm, tháo gỡ một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, trong đó có cac nhiệm vụ liên quan đến thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp THPT; ban hành các quy định, hướng dẫn đối với các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên cấp huyện; công tác tuyển sinh vào lớp 10; công tác Kiểm định chất lượng giáo dục; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; việc xuất bản và phát hành tài liệu giáo dục địa phương; về xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục...
Toàn cảnh buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao, bày tỏ ấn tượng trước những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh nói chung, lĩnh vực GD&ĐT nói riêng. Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho rằng, tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm cho sự nghiệp GD&ĐT bằng việc ban hành, những cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có giáo dục vùng đồng bào DTTS.
Đồng tình với những giải pháp phát triển giáo dục của tỉnh trong thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh mong muốn, song song với phát triển kinh tế -xã hội, tỉnh cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực, quan tâm đến đối tượng học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo cho cho các em có sự bình đẳng trong giáo dục. Ngành giáo dục của tỉnh cần có giải pháp cơ cấu lại hệ thống trường lớp; quan tâm đến các Trường PTDTNT, PTDTBT; tổng kết mô hình giáo dục đặc thù để có hướng phát triển phù hợp. Bộ trưởng, Chủ nhiệm mong muốn tỉnh, Bộ GD&ĐT tăng cường phối hợp với UBDT triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó có dự án, tiểu dự án liên quan đến giáo dục, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được của tỉnh Thái Nguyên và đánh giá cao tỉnh Thái Nguyên đã dành sự quan tâm đến giáo dục. Đặc biệt tỉnh có nhiều điểm sáng trong việc ban hành cơ chế chính sách đặc thù trong phát triển GD&ĐT.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị tỉnh Thái Nguyên quan tâm triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới; phát triển, đổi mới mô hình đào tạo các trường PTDTNT, quan tâm đến giáo dục dân tộc. Tỉnh lưu ý triển khai kế hoạch đào tạo giáo viên, có sự phối hợp đặt hàng trong đào tạo giáo viên dạy các môn nghệ thuật. Tăng cường phát triển giáo dục vùng. Chuẩn hóa về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Phát triển hệ thống các trường ngoài công lập…
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải trân trọng cảm ơn những ý kiến thảo luận, chỉ đạo, gợi mở của các đồng chí lãnh đạo đối với tỉnh Thái Nguyên trong phát triển sự nghiệp GD&ĐT nói riêng, kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung. Chia sẻ những khó khăn và định hướng phát triển của tỉnh thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên mong muốn các đồng chí lãnh đạo, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm đến tỉnh Thái Nguyên trong việc thực hiện các chương trình, chính sách, nâng cao chất lượng giáo dục. Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên khẳng định sẽ phối hợp tốt với các bộ, ngành, vào cuộc quyết liệt để hoàn thành các chương trình, chính sách theo kế hoạch đã đề ra.
Xuân Thường