Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước trong thời kỳ mới

03:27 PM 24/11/2021 |   Lượt xem: 3320 |   In bài viết | 

Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng diễn ra tại Nhà Quốc hội

Tham dự Hội nghị có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng.

Dự Hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư; Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp, đại diện lãnh đạo các Hội chuyên ngành văn học nghệ thuật Trung ương, các nhà khoa học, nhà văn hóa, tri thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu trong cả nước. 

 Hội nghị còn kết nối đến 67 điểm cầu của các ban, bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hoá còn, dân tộc còn, văn hoá mất, dân tộc mất. Hội nghị văn hoá toàn Quốc lần này mang ý nghĩa quan trọng về nhiều phương diện"

Theo Báo cáo tại Hội nghị về "Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng" do Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày cho tháy: Sau 35 năm đôi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam, từ một quốc gia nghèo đói, chậm phát triển, đã trở thành một nước có GDP trung bình, có thành tích xóa đói, giảm nghèo ấn tượng. Từ hơn 50% vào giữa những năm 1990 đã giảm xuống 4,25% vào năm 2015 và chỉ còn 2,75% vào cuối năm 2020.

Việt Nam là một trong số ít nước có tiến bộ rõ rệt và liên tục về chỉ số phát triển con người kể từ khi Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) công bố chỉ số HDI năm 1990 đến nay. Xu hướng chỉ số phát triển con người cao hơn chỉ số kinh tế vẫn được giữ vững suốt 20 năm qua”.

Cùng với sự phát triển chung của đất nước, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Đời sống văn hoá của Nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc được đề cao và phát huy. Sản phẩm văn hoá, văn học nghệ thuật ngày càng đa dạng và có chất lượng. Xã hội hoá các hoạt động văn hoá được mở rộng. Nhiều di sản văn hoá vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên được công nhận, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. Hoạt động giao lưu, quảng bá giá trị văn hoá Việt Nam được thực hiện chủ động và tích cực.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam sau 35 năm đổi mới cho thấy, nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực. Văn hoá đã có những đóng góp tích cực, quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày Báo cáo tại Hội nghị

Hội nghị đã nghe đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương; các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trình bày tham luận làm rõ thêm những nội dung nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát triển văn hóa.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hoá còn, dân tộc còn, văn hoá mất, dân tộc mất. Hội nghị văn hoá toàn Quốc lần này mang ý nghĩa quan trọng về nhiều phương diện”.

Nhắc lại quá trình lịch sử của các thời kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hoá ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn.

“Con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hoá, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí của phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là một tiêu chí của tiến bộ, văn minh”, Tổng Bí Thư,  nhấn mạnh.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm đánh giá kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước và triển khai quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; góp phần tuyên truyền, cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hoá, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.

(baodantoc.vn)