Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng làm việc với Ủy ban Dân tộc
01:05 AM 19/01/2017 | Lượt xem: 8332 In bài viết |Chiều ngày 18/1, đồng chí Tòng Thị Phóng Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã đến làm việc với Ủy ban Dân tộc (UBDT). Tham gia dự có các đồng chí: Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTV Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội; Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTV Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội. Về phía UBDT có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT; các đồng chí Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT: Nông Quốc Tuấn; Hà Hùng, Phan Văn Hùng, Lê Sơn Hải; lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc UBDT. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài Chính
Báo cáo với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội về kết quả công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết: thời gian qua, ngành công tác dân tộc đã nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo UBDT đã bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chương trình công tác của Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, nỗ lực phối hợp cùng các Bộ, ngành chỉ đạo các địa phương vùng DT&MN triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc trên phạm vi cả nước.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc
Việc triển khai thực hiện hệ thống chính sách dân tộc đã thu được kết quả quan trọng, góp phần thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng DTTS&MN, nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS&MN giảm từ 35% (năm 2011) xuống còn 16,8% (cuối năm 2015) và ước cuối năm 2016 giảm xuống còn khoảng 13,3%. Đến nay đã có 48.364 thôn có đường đến trung tâm xã, trong đó có 34.825 thôn (bằng 72% số thôn) có đường nhựa và bê tông. Tỷ lệ số thôn được sử dụng điện đạt 97% , trong đó có 93% số thôn được sử dụng điện lưới quốc gia. Kết thúc giai đoạn 2011-2015, đã có 80 xã và 372 thôn ĐBKK hoàn thành mục tiêu Chương trình 135. Công tác giáo dục ở vùng DTTS&MN đã có nhiều tiến bộ; mạng lưới y tế phát triển;công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc được quan tâm; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng DTTS&MN được đảm bảo.
Về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 755 Phê duyệt Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2013 - 2015. Đến nay, đã hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho trên 18 nghìn hộ với diện tích 7 nghìn ha, kinh phí trên 160 tỷ đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho trên 190 nghìn hộ, kinh phí trên 250 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới và duy tu bảo dưỡng 330 công trình nước sinh hoạt tập trung với kinh phí trên 360 tỷ đồng; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng “Chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2016-2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016; tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, trong đó có Chương trình 135.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến báo cáo với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng về kết quả công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc năm 2016 của UBDT
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Trong giai đoạn tới, ngành công tác dân tộc tiếp tục hướng tới các mục tiêu cụ thể: Giảm tỷ lệ hộ nghèo DTTS từ 3-4%; tỷ lệ trẻ em DTTS dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm 2%; tỷ lệ trẻ em DTTS nhập học đúng tuổi bậc tiểu học tăng 2%; tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng 4%; tỷ lệ hộ DTTS sử dụng hố xí hợp vệ sinh tăng 5%. Từng bước tiến tới hoàn thành các mục tiêu chung trong Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, một số chỉ tiêu thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 và Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030.
Tại buổi làm việc, thay mặt Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đã đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số nội dung: Đồng ý chủ trương xây dựng “Luật hỗ trợ phát triển vùng DTTS&MN” và đưa vào chương trình xây dựng Luật năm 2018 của Quốc hội; tổ chức Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCH TW khóa IX về công tác dân tộc và ban hành nghị quyết mới thay thế cho phù hợp với tình hình mới; sớm có đề án thực hiện khoản 5, điều 70, Hiến pháp năm 2013 “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc”; cho phép UBDT xây dựng đề án tổ chức hoạt động của Ủy ban theo cơ chế thành phần Lãnh đạo Ủy ban có sự tham gia (kiêm nhiệm) của Lãnh đạo các Bộ, ngành có liên quan; bố trí đủ nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Quốc hội tăng cường công tác giám sát việc thực hiện các chương trình, chính sách có liên quan đến chính sách dân tộc, phát huy vai trò giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội đối với các chính sách cho vùng DTTS&MN.
Ghi nhận và biểu dương những kết quả UBDT đã đạt được trong việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc thời gian qua, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định: Nhờ sự quan tâm, chăm sóc của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, của các cán bộ làm công tác dân tộc cùng sự nỗ lực của đồng bào trên khắp cả nước nên các CSDT đã được thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả quan trọng.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, UBDT đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thể hiện qua một số công việc cụ thể như: Triển khai hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội; trình Chính phủ các chính sách và tham gia thực hiện chính sách đầu tư phát triển cho vùng miền núi, vùng dân tộc, biên giới, vùng cao, vùng xung yếu; có ý kiến tham gia xây dựng việc hoạch định các công trình quan trọng của quốc gia; trình Chính phủ các chính sách đặc thù cho vùng ĐBKK; khảo sát và đề nghị kịp thời chính sách cho vùng đồng bào bị thiên tai năm 2016; tham mưu cho Chính phủ hoạch định chính sách cho nhóm dân tộc ít người; xây dựng chính sách cho người có uy tín, các già làng, trưởng bản trong vùng đồng bào DTTS; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc; làm tốt công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, sơ kết, tổng kết, phối hợp ban hành kịp thời các chính sách; mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đội ngũ làm công tác dân tộc của UBDT và các tỉnh thành đã từng bước trưởng thành, đoàn kết, chủ động, năng động và quyết liệt trong thực hiện các nhiệm vụ được giao; gần gũi đồng chí, đồng bào ở cơ sở; tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế với các nước bạn và các tổ chức quốc tế.
Trong giai đoạn tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu UBDT cần rà soát lại các vấn đề về phân bổ ngân sách trong thực hiện các chính sách dân tộc, nâng cao chất lượng việc nghiên cứu, tham mưu cho Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ cần nhanh nhạy, kịp thời, nhất quán và kiên trì hơn; chủ động sơ kết, tổng kết chính sách, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách; chăm lo bồi dưỡng, biểu dương gương điển hình tiên tiến, các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào DTTS; chăm lo vùng cao, vùng biên giới; quan tâm, chăm lo việc ăn ở, học hành, sức khỏe của các dân tộc ít người; phối hợp cùng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ ngành liên quan tham mưu cho Trung ương Đảng, Quốc hội sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn, hướng dẫn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; coi trọng công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, tổng kết thực hiện CSDT có trọng điểm, giải đáp các kiến nghị của đồng bào; chăm lo đội ngũ cán bộ là người DTTS, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo nguồn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện CSDT để báo cáo lại với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh: Cần phải xác định công tác dân tộc là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Từ thực tiễn cách mạng đất nước thời kỳ đổi mới, đòi hỏi phải tập trung quan tâm, phát triển KT-XH, văn hóa, giáo dục, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các dân tộc. Sự ổn định và phát triển của vùng DTTS và miền núi, vùng biên giới là hết sức quan trọng. Hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc từ TW đến địa phương phải cùng nhau phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, tôn trọng cùng phát triển.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chụp ảnh lưu niệm với tập thể Lãnh đạo UBDT, lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc UBDT
Nhân dịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền Đinh Dậu 2017, thay mặt các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã gửi lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc.
Thay mặt lãnh đạo UBDT, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, đồng thời khẳng định, UBDT sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng các chính sách phù hợp, thúc đẩy phát triển vùng DTTS&MN.
Xuân Thường