Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, thu hẹp khoảng cách về mức sống, tạo sinh kế bền vững vùng đồng bào DTTS Tây Nguyên
05:23 PM 20/11/2022 | Lượt xem: 16519 In bài viết |Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề "Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững", diễn ra ngày 20/11, tại tỉnh Lâm Đồng là sự kiện quan trọng đối với sự phát triển vùng Tây Nguyên.
Hội nghị gồm 3 nội dung chính: Triển lãm, quảng bá hình ảnh, vùng đất văn hóa, con người và giới thiệu nông sản của vùng; công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị; xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên.
Hội nghị dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; lãnh đạo một số bộ, ngành, lãnh đạo 5 tỉnh vùng Tây Nguyên, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã gửi đến Hội nghị bài tham luận với chủ đề: Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương thu hẹp khoảng cách về mức sống, tạo sinh kế bền vững vùng đồng bào DTTS.
Tham luận của Ủy ban Dân tộc cho thấy, hiện nay, toàn Vùng Tây Nguyên có 53 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 52 DTTS với 2.199.784 người, chiếm 37,65% dân số toàn vùng.Các dân tộc sống đoàn kết, đan xen nhau, tập trung tại 471 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các DTTS ở Tây Nguyên có bản sắc văn hóa phong phú, là nơi lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, có giá trị lịch sử và thẩm mỹ độc đáo, được bảo tồn, kế thừa và phát huy. Đây là vùng có đông thành phần dân tộc nhất nước ta và cũng là nơi duy nhất có đủ các nhóm ngôn ngữ - dân tộc của Việt Nam cùng sinh sống.
Để hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nói chung và Vùng Tây Nguyên nói riêng, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách, chương trình, dự án; nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần của gần 2,2 triệu đồng bào DTTS không ngừng được cải thiện, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, khối Đại đoàn kết dân tộc được củng cố tăng cường.
Tây Nguyên hiện nay trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả; du lịch có bước phát triển khá, hình thành các chuỗi phát triển liên vùng, đang trở thành du lịch sinh thái - văn hóa có sức hấp dẫn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm ảnh Tây Nguyên xanh Hài Hoà - Bền Vững
Để phát huy kết quả đạt được và khắc phục nhược điểm trong triển khai thực hiện các chương trình, chính sách, dự án tại Vùng Tây Nguyên từ các giai đoạn trước, Ủy ban Dân tộc đã đề xuất một số giải pháp, nhiệm vụ khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, thu hẹp khoảng cách về mức sống, tạo sinh kế bền vững vùng đồng bào DTTS.
Thứ nhất, đó là tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS, đồng thời có chính sách để đồng bào gắn bó với rừng. Tiếp tục rà soát, cơ cấu lại đất đai nông, lâm trường; hoàn thành giao đất, giao rừng ở nơi có đủ điều kiện; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu và tranh chấp đất sản xuất, đất ở cho đồng bào DTTS. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng, kiên quyết chấm dứt tình trạng phá rừng, hủy hoại môi trường sinh thái. Khôi phục một số tập quán tốt, “văn hóa” ứng xử với rừng của người DTTS; nghiên cứu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS đối với việc quản lý, bảo vệ rừng; giải quyết hợp lý những vấn đề phát sinh từ thực tiễn.
Thực hiện tốt việc ổn định dân du canh du cư, di cư tự phát; triển khai đồng bộ, kịp thời công tác quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư tại các dự án thủy điện trên địa bàn, bảo đảm đời sống người dân đến nơi ở mới tốt hơn nơi cũ. Thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ về nhà ở, quy hoạch dân cư vùng lũ, sạt lở theo hướng an toàn, ổn định, phát triển bền vững.
Đồng thời, bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân về tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin cũng như cơ hội việc làm cho lao động người DTTS. Thực hiện tốt công tác quản lý nhân khẩu, hộ tịch, giấy khai sinh... Tập trung phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Vùng Tây Nguyên, xóa bỏ tình trạng “vùng trũng nguồn nhân lực”.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, phối hợp lồng ghép với các chương trình, chính sách khác trên địa bàn như: Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường bền vững, coi đây là một trong những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi nói chung và Vùng Tây Nguyên nói riêng.
Cũng theo đề xuất của Ủy ban Dân tộc, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phát huy thế mạnh, lợi thế của Vùng Tây Nguyên, như: Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với vùng đồng bào DTTS. Triển khai hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế, có giải pháp thúc đẩy thay đổi sinh kế cho đồng bào DTTS. Đổi mới cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào Vùng Tây Nguyên.
Nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS. Có cơ chế ưu đãi, đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ của đồng bào DTTS. Cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển chợ nông thôn và các loại hình chợ phù hợp để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; chợ truyền thống mang bản sắc văn hóa dân tộc vừa là nơi giao thương, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển du lịch. Tập trung khai thác thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực độc đáo, đặc sắc của các dân tộc để phát triển các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch “xanh”, giữ gìn và tôn trọng yếu tố văn hóa vùng Tây Nguyên....
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn cùng lãnh đạo và già làng, Người có uy tín tại Tây Nguyên (tháng 4/2022)
Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền cơ sở cần tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên. Không ngừng củng cố lực lượng cốt cán của các đoàn thể, tăng cường phát triển đảng viên, trong đó có đảng viên là người DTTS ở những vùng trọng điểm, vùng đặc biệt khó khăn; đề cao vai trò của già làng, trưởng buôn, trưởng các dòng họ, Người có uy tín. Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ người DTTS theo Nghị quyết 52/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; chú trọng xây dựng quy ước, hương ước và tổ chức phong trào tự quản về an ninh trật tự; phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản tại cộng đồng. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân vững chắc.
Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, lồng ghép, tích hợp các chính sách hiện hành để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật thực hiện tại vùng DTTS và miền núi. Đổi mới phương thức xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới theo hướng giảm dần cơ chế “cho không”, tăng chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện, đầu tư cơ sở hạ tầng cho cộng đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình; phát huy tinh thần tự lực tự cường và quyền làm chủ của đồng bào các dân tộc.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, phân định trách nhiệm của Trung ương và địa phương, giao quyền chủ động cho chính quyền cấp tỉnh trong triển khai thực hiện chính sách phù hợp thực tế của địa phương.
Ủy ban Dân tộc cũng đề xuất nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong tổ chức thực thi chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin báo cáo về công tác dân tộc. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật trong đồng bào DTTS; công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực hiện các chính sách dân tộc. Bố trí, sử dụng cán bộ có đủ năng lực, trình độ làm công tác dân tộc ở các ngành, các cấp. Có chính sách luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện để cán bộ làm công tác dân tộc các cấp không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
(baodantoc.vn)