Ngày khai trường và ước mơ của trẻ em nghèo

02:02 PM 03/10/2015 |   Lượt xem: 2636 |   In bài viết | 

Dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nhưng bức tranh kinh tế ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn. Địa phương còn khó khăn, người dân vẫn chưa thoát nghèo, dẫn đến nhiều trẻ em khó thực hiện được ước mơ đến trường như tất cả các bạn cùng trang lứa.

Ngày 5/9, học sinh cả nước sẽ khai giảng năm học mới (2015-2016). Khác với những năm trước đây, Lễ khai giảng năm học mới sẽ được tổ chức theo hình thức tiết kiệm, giản dị, không nặng về phần Lễ, tạo cảm giác thoái mái cho học sinh.

Dường như mùa tựu trường năm học nào cũng thế, học sinh ở thành phố và những tỉnh có kinh tế tăng trưởng cao thì được cha mẹ sắm cho đủ thứ áo quần, sách vở, dụng cụ học tập. Ngược lại, nhiều học sinh ở vùng quê nghèo, vùng sâu, vùng xa lại khó có điều kiện để đến trường.

Nhằm giúp học sinh gắn bó với trường, hai năm học qua (2013-2014 và 2014-2015), chính sách hỗ trợ gạo của Chính phủ đã đến với hàng chục vạn học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Năm học mới (2015-2016), chính sách hỗ trợ gạo của Chính phủ sẽ tiếp tục đến với học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chính phủ không chỉ hỗ trợ gạo, mà nhiều chính sách an sinh xã hội khác cũng đã và đang đến với học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.

Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cũng đã thường xuyên hỗ trợ về vật chất, tinh thần để chắp cách ước mơ đến trường cho hàng vạn học sinh.

Tuy nhiên, theo thống kê của cơ quan chức năng mà báo chí vừa công bố: Mỗi năm, trên cả nước có khoảng 200.000 trẻ em phải bỏ học vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài ra, hiện cả nước có 4 triệu học sinh đang cần hỗ trợ phương tiện (xe đạp) để đến trường.

Gia đình nghèo túng, trường học tạm bợ, đường đến trường có khi vừa xa nhà, vừa phải “vượt sông, lội suối”... là những lực cản "đeo bám" ước mơ theo đuổi con chữ của nhiều trẻ em ở độ tuổi đến trường. Không được đến trường, đồng nghĩa với khát vọng “bay cao, vươn xa” khó thành hiện thực, nghèo túng vẫn níu kéo...

Học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không chỉ cần sự hỗ trợ trước mắt, mà cần thêm những giải pháp hỗ trợ dài hạn từ chính sách vi mô đến vĩ mô. Mọi sự hỗ trợ về vật chất hay tinh thần đều rất cần thiết, nhưng vấn đề quan trọng và cấp bách là phải tìm ra giải pháp để vùng sâu, vùng xa thoát nghèo bền vững. Muốn thế thì phải gấp rút đầu tư thêm và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) ở vùng sâu, vùng xa, đồng thời mở rộng liên kết vùng kinh tế để thu hút các nguồn lực đầu tư của mọi thành phần kinh tế.

Khi kinh tế của vùng sâu, vùng xa tăng trưởng cao, mọi người dân đều có việc làm, có thu nhập ổn định, thì ước mơ đến trường của các tất cả trẻ em nơi đây sẽ không còn “thua chị, kém em”, hay xa vời vợi.

Hy vọng và...chờ đợi!

Đăng Dương (CPV)