Thi đua thực sự là đòn bẩy, là động lực tinh thần to lớn trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc

02:54 PM 03/10/2015 |   Lượt xem: 4500 |   In bài viết | 

"Đại hội thi đua yêu nước của Ủy ban Dân tộc 2011 – 2015 là dịp để tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được, chỉ ra những khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua và thực hiện chính sách khen thưởng, rút ra những bài học kinh nghiệm; đề ra phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua và làm tốt công tác khen thưởng trong thời gian tới; ghi nhận những đóng góp của phong trào thi đua đối với sự phát triển kinh tế- xã hội đất nước nói chung, hệ thống cơ quan công tác dân tộc nói riêng; biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, nhân tố mới, qua đó tiếp tục khơi dậy, phát huy mạnh mẽ nội lực, tạo động lực mới góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cơ quan UBDT lần thứ VII, nhiệm kỳ 2015 - 2020”.

Đó là ý kiến của đồng chí Hà Hùng - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm, Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng UBDT trong bài viết dành cho Tạp chí Dân tộc và Cổng Thông tin Điện tử Ủy ban Dân tộc nhân Đại hội thi đua yêu nước của Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2011 – 2015.

Cổng Thông tin Điện tử xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Phát huy truyền thống thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, những năm qua, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo UBDT luôn quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, làm cho toàn thể công chức, viên chức, người lao động nhận thức đúng về vị trí, vai trò của công tác thi đua khen thưởng trong tình hình mới.

Được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Đảng và Nhà nước qua việc ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng tạo cơ sở pháp lý, điều kiện thuận lợi để hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc đẩy mạnh tổ chức phong trào thi đua yêu nước trong công chức, viên chức, người lao động, 5 năm qua, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo UBDT đã coi trọng và thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong công chức, viên chức, người lao động. Nhiều phong trào thi đua thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế hệ thống cơ quan công tác dân tộc được phát động và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tạo sự đồng thuận cao trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tiêu biểu là các phong trào: “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới”, chào mừng các ngày lễ lớn 30/4, 1/5, 19/5, 11/6, 2/9, ngày truyền thống cơ quan QLNN về công tác Dân tộc (3/5)...; cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; phong trào “Nói và làm theo chức trách” và “Hai nhất, một cơ bản” năm 2011; tổ chức cuộc thi viết “Chung tay cải cách thủ tục hành chính”, cuộc vận động “Xây dựng cơ quan không khói thuốc lá”, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc; hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", “Tháng làm việc chất lượng hiệu quả" năm 2012, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động "Trung thành, tận tụy, gương mẫu, sáng tạo, giỏi chuyên môn"; phong trào: "Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng văn minh công sở" năm 2013...; đặc biệt là phong trào “Hướng về biển đảo quê hương”, “Vì Trường Sa thân yêu” năm 2014; phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được thực hiện xuyên suốt giai đoạn 2011-2015.

Qua các phong trào thi đua, đã kịp thời cụ thể hóa chương trình công tác, Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bằng kế hoạch, chương trình hành động, quán triệt nghiêm túc trong toàn ngành để chỉ đạo, điều hành công tác dân tộc và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, mang tính đột phá trong nhiệm kỳ, đó là: tham mưu với Bộ Chính trị (khóa X) ban hành Kết luận số 57 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về công tác dân tộc; lần đầu tiên tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ I năm 2010; lần đầu tiên ngành công tác dân tộc tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 05/NĐ-CP về công tác dân tộc; lần đầu tiên ngành công tác dân tộc có Chiến lược và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; lần đầu tiên tổ chức hội nghị toàn quốc đánh giá chính sách dân tộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2006 - 2012; lần đầu tiên biên soạn sách lịch sử 65 năm cơ quan công tác dân tộc; lần đầu tiên có Đề án thành lập Học viện Dân tộc; lần đầu tiên có chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia; lần đầu tiên tổ chức Đoàn đại biểu 54 dân tộc thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa; tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 1971/CT-TTg về tăng cường công tác dân tộc thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, Chỉ thị số 28/CT-TTg về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc...

Phong trào thi đua được các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban, Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố tích cực hưởng ứng tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực và hiệu quả, tiêu biểu: tỉnh Sơn La đã làm tốt công tác hỗ trợ phát triển sản xuất cho 203 mô hình các loại (mô hình ngô, mô hình gà giống, mô hình cây sơn tra, mô hình cá lồng, mô hình nuôi lợn thịt...) cho 2.265 hộ. Tỉnh Đồng Nai tổ chức 219 lớp tập huấn cho đồng bào dân tộc thiểu số, có 2.215 lượt người tham dự với tổng số tiền trên 400 triệu đồng, hướng dẫn 110 mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho đồng bào dân tộc thiểu số (năm 2012 - 2014) có 125 hộ được UBND tỉnh tặng Bằng khen về sản xuất kinh doanh giỏi. Tỉnh Tuyên Quang có cá nhân đóng góp công sức, hiến đất để thực hiện xây dựng công trình cơ sở hạ tầng, tiêu biểu gia đình bà Nông Thị Tháy, dân tộc Tày, thôn Nà Vai, xã Năng Khả, huyện Na Hang đã hiến trên 250m2 đất để xây dựng đường giao thông nông thôn; gia đình ông Lê Hải Thanh, dân tộc Dao, thôn Đá Bàn 1, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn hiến trên 600m2 đất để làm nhà văn hóa thôn và trên 200m2 đất để xây dựng đường bê tông nông thôn. Gương tiêu biểu trong lao động sản xuất mạnh dạn chuyển đổi canh tác từ những cây lâu năm, năng suất, hiệu quả thấp sang trồng cây năng suất cao như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có gia đình ông Dương Văn Nhợ, Trần A Sy, Dương Thành Đăng, Dương Văn Bạch và nhiều hộ gia đình ở xã Sông Xoài, xã Hắc Dịch trung bình mỗi hộ thu được trên 200 - 400 triệu đồng/năm; huyện Xuyên Mộc có hộ gia đình ông Triệu Văn Sơn thu nhập trung bình là 250 triệu đồng/năm; huyện Châu Đức có ông Gịp A Dách, sau khi được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi đã thành lập công ty TNHH Trường Phát, với vốn điều lệ là 3 tỷ đồng, sau 7 năm kinh doanh, doanh số đạt 62.562 triệu đồng, nộp ngân sách nhà nước 4.353 triệu đồng. Từ việc kinh doanh có hiệu quả, ông tiếp tục mở thêm nhiều chi nhánh kinh doanh tại các địa bàn khác, tạo việc làm cho nhiều người lao động. Gương tiêu biểu trong lĩnh vực khôi phục, bảo tồn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đồng bào dân tộc thiểu số có huyện Châu Đức, Châu Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đã sưu tầm phục chế một số hiện vật có giá trị như Cồng chiêng, đàn Goong Kla, đàn Goongcholo, kèn bầu, kèn lá đưa vào sử dụng trong các làn điệu dân ca (hát ru, hát la-zưn, các điệu múa cồng chiêng, múa cây lúa, múa sàng gạo); tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện có hiệu quả dự án làng dân tộc phát triển bền vững ổn định cho 600 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện: Tân Phú, Long Thành, Vĩnh Cửu; Tỉnh Quảng Bình biên soạn tài liệu tiếng Bru-Vân Kiều (dùng đào tạo cho cán bộ, công chức).

Có thể khẳng định: 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc đã có những chuyển biến tích cực và đạt nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi, đảm bảo an sinh xã hội. Phong trào thi đua yêu nước phát triển cả bề rộng và chiều sâu, thi đua thực sự là đòn bẩy, là động lực tinh thần to lớn, cổ vũ động viên công chức, viên chức, người lao động phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, kiên quyết khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh nhiệm vụ chính trị, thực hiện Kế hoạch số 227/KH-UBDT ngày 14/03/2014 của cơ quan UBDT về việc tổ chức phát động đợt thi đua cao điểm chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/05/1954 - 7/05/2014), đã vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ủng hộ mỗi người ít nhất một ngày lương để tặng nhà tình nghĩa cho cựu chiến binh tỉnh Điện Biên, tặng quà cho hộ nghèo. Kết quả đợt phát động đã thu được trên 90 triệu đồng, trong đó dành tặng 02 căn nhà tình nghĩa (trị giá 30 triệu đồng/căn) cho 02 CCB thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, tặng 15 suất quà (trị giá 500.000đồng/suất) cho 15 hộ DTTS nghèo, 01 bộ máy vi tính cho Đoàn Thanh niên xã Pom Lót, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên; phong trào hướng về Trường Sa và hưởng ứng chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”, toàn thể đoàn viên công đoàn ủng hộ mỗi người ít nhất 100.000 đồng. Kết quả đợt vận động đã thu được 51,3 triệu đồng, chuyển Công đoàn Viên chức Việt Nam. Ủy ban Dân tộc đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến làm việc, thăm hỏi và chúc Tết cổ truyền, Tết truyền thống của một số dân tộc, động viên đồng bào vùng bị ảnh hưởng thiên tai bão lũ; tổ chức tiếp đón 22 đoàn với tổng số hơn 1.000 già làng, trưởng bản, người có uy tín, học sinh DTTS tiêu biểu ở các địa phương đến thăm, làm việc tại cơ quan UBDT; tiếp đón chu đáo hơn 6.000 lượt khách. Tổ chức thành công việc tuyên dương và khen thưởng học sinh DTTS đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và đỗ thủ khoa, điểm cao đại học, cao đẳng năm 2013, 2014.

Ngoài ra các đơn vị còn làm tốt công tác từ thiện: Vụ Địa phương III vận động các tổ chức, cá nhân tặng 1.500 quyển sách cho học sinh DTTS nghèo, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh vận động Công ty Dược Hậu Giang và Bệnh viện Quân Y 121, Cục Hậu cần - Quân khu 9 tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 512 người DTTS nghèo của 3 xã thuộc huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, trị giá gần 60.000.000 đồng; vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện được 1.650kg gạo cho đồng bào Khmer nghèo nhân ngày lễ Sen Đôn-Ta năm 2014; Tạp chí Dân tộc phối hợp với Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Vietin AVIVA ủng hộ, tặng quà, khám bệnh miễn phí cho học sinh dân tộc thiểu số 02 trường mầm non và tiểu học xã Cẩm Đàn, huyện đặc biệt khó khăn Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, trị giá quà tặng 100 triệu đồng; Vụ Dân tộc thiểu số phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ hơn 2 tấn gạo, 50 triệu đồng hỗ trợ cho đồng bào DTTS huyện Hoàng Su Phì bị thiên tai, bão lụt; Nhà khách Dân tộc phối hợp với chi đoàn quyên góp, vận động một số tổ chức bên ngoài được 50 chiếc chăn hè thu, 55 chăn mùa đông, 113 kg xà phòng, 150 quần ấm cho trẻ em, 300 bộ quần áo ấm cho người lớn để tặng cho đồng bào DTTS của thôn Nà Bản, thôn Cốc Siong, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn; Trung tâm Thông tin phối hợp với Chi đoàn tổ chức tặng 01 bộ máy tính cho Đoàn Thanh niên xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và phối hợp với Báo Công thương tặng một bộ máy tính, một chiếc máy in, 25 thùng sữa Vinamilk; 200 bộ quần áo ấm cho cả người lớn và trẻ em xã Vần Chải, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Cùng với việc tổ chức có kết quả các phong trào thi đua, Ủy ban Dân tộc đã chú trọng làm tốt công tác khen thưởng, đưa công tác này dần đi vào ổn định, làm cơ sở cho việc đánh giá, bình xét kết quả thi đua, khen thưởng hàng năm; chú trọng khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua nên đã có tác dụng động viên, nêu gương kịp thời, khắc phục được tình trạng khen thưởng không đúng, khen thưởng tràn lan.

Từ năm 2011 đến nay, Ủy ban Dân tộc và các Vụ, đơn vị, Ban Dân tộc các tỉnh, thành đã được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý, cụ thể: Huân chương Sao vàng, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, Huân chương Lao động các hạng Nhất, Nhì, Ba tặng thưởng cho 377 tập thể và 49 cá nhân; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng cho 213 tập thể và 359 cá nhân; Danh hiệu Chiến sỹ Thi đua Toàn quốc cho 04 cá nhân.

Về khen thưởng của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban: Đã thực hiện tốt công tác khen thưởng thường xuyên; tổng hợp thẩm định hồ sơ khen thưởng cho 23/23 Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban; 52/52 Ban Dân tộc các tỉnh, làm tốt công tác chuẩn bị vật tư khen thưởng. Kết quả: tặng Danh hiệu Lao động tiên tiến cho 887 cá nhân; Chiến sĩ thi đua cơ sở 364 cá nhân; Chiến sĩ thi đua cấp Bộ 89 cá nhân; Danh hiệu tập thể Lao động tiên tiến 23 đơn vị; Tập thể lao động xuất sắc 37 đơn vị; tặng Cờ thi đua của UBDT cho 32 đơn vị thuộc UBDT và 78 Ban Dân tộc tỉnh; Tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT cho 222 đơn vị; 797 cá nhân; Tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” cho 3.851 cá nhân (trong đó: Các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban: 102 cá nhân; Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương: 1.024 cá nhân; Ban Dân tộc các tỉnh: 2.725 cá nhân); Công tác khen thưởng chuyên đề, đột xuất: cho 51 tập thể; 175 cá nhân. Ngoài ra Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố còn được UBND tỉnh, thành phố, Ủy ban dân dân các huyện trao tặng hàng ngàn Bằng khen và các danh hiệu thi đua khác, cụ thể: Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ II năm 2014 đã tặng Bằng khen cho 1.006 tập thể, 3.300 cá nhân; tặng Giấy khen cho 3.847 tập thể, 17.137 cá nhân. Những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được khen thưởng là tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo; là những bông hoa đẹp trong vườn hoa “Người tốt, việc tốt” của hệ thống cơ quan công tác dân tộc.

Phát huy truyền thống thi đua yêu nước, thời gian tới hệ thống cơ quan công tác dân tộc tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, trong đó trọng tâm là các phong trào đã tạo sức lan tỏa gắn với việc triển khai Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đao đức Hồ Chí Minh”. Tập trung bồi dưỡng tăng cường các yếu tố tạo động lực của phong trào thi đua. Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo hướng thiết thực, hiệu quả, với mục tiêu hướng về cơ sở và người lao động trực tiếp, chú trọng tổng kết, xây dựng nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong công chức, viên chức, người lao động.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Thi đua yêu nước là một phong trào có ý nghĩa to lớn nhưng không phải là cái gì khác thường mà nó thể hiện ngay trong công việc hàng ngày”. Làm theo lời dạy của Bác, trên cơ sở phát huy những thành quả của phong trào thi đua yêu nước ngành công tác dân tộc, được tiếp thêm sức mạnh nội sinh từ truyền thống vẻ vang 69 năm xây dựng và phát triển, tin tưởng rằng sau Đại hội này, phong trào thi đua yêu nước trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc tiếp tục phát triển mạnh mẽ với khí thế mới, tinh thần mới, quyết tâm mới, thực sự trở thành động lực to lớn cổ vũ, động viên ngành công tác dân tộc vươn lên lập nhiều thành tích chào mừng Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.

Hà Hùng (UBDT)