Thông báo của Văn phòng Trung ương số 13-TB/TW ngày 3/6/1976 một số ý kiến của Ban Bí thư về công tác dân tộc

03:16 PM 31/10/2015 |   Lượt xem: 4229 |   In bài viết | 

Ngày 2 tháng 3 năm 1976 và ngày 27 tháng 4 năm 1976, Ban bí thư có làm việc với Ban Dân tộc Trung ương và cho ý kiến về công tác dân tộc trong giai đoạn mới như sau:

1. Chính sách dân tộc là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Quan điểm của Đảng về vấn đề dân tộc rất rõ ràng và trước sau như một: Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước có liên quan đến các dân tộc trên đất nước Việt Nam đều thể hiện rõ chủ trương bình đẳng giữa các dân tộc, đoàn kết các dân tộc, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, các dân tộc thiểu số tiến kịp dân tộc đa số, góp phần vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước. Qua cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, các dân tộc thiểu số từ Nam tới Bắc đã luôn luôn sát cánh với đồng bào cả nước, hy sinh chiến đấu, đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi vẻ vang. Điều đó chứng tỏ đường lối của Đảng ta về vấn đề dân tộc là đúng.

Tuy nhiên, những việc làm được ở các vùng dân tộc thiểu số nhất là ở vùng cao còn ít. Công tác định canh, định cư làm chưa tốt; đời sống kinh tế và văn hoá của đồng bào còn thấp; số người mù chữ còn nhiều; một số phong tục tập quán lạc hậu có hại chưa được xoá bỏ. Việc xây dựng miền núi trên các mặt chưa làm được nhiều, chủ yếu là vì chúng ta đứng trước nhiều mặt hạn chế: tiềm lực kinh tế chung của nước ta vốn còn rất thấp, chiến tranh phá hoại đã mấy lần tàn phá hầu hết những cơ sở mà chúng ta mới xây dựng; toàn Đảng, toàn dân phải tập trung sức vào kháng chiến, thực hiện khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng". Giải quyết các vấn đề dân tộc không thể tách rời với các vấn đề chung của cả nước; các vùng dân tộc thiểu số chỉ có điều kiện tiến lên nhanh khi mà cơ cấu kinh tế chung của cả nước được bố trí đúng, công cuộc xây dựng kinh tế và phát triển văn hoá của cả nước đạt được tốc độ khá.

Mặt khác, chúng ta cũng có những thiếu sót như một số chính sách cụ thể còn thiếu hoặc đề ra không kịp thời, trên từng mặt công tác hoặc ở từng địa phương, cũng có những thiếu sót trong việc thực hiện chính sách cụ thể. Có một số biểu hiện áp dụng máy móc kinh nghiệm và phương pháp làm ở đồng bằng lên miền núi, không nghiên cứu vận dụng cho thích hợp với điều kiện của miền núi, đồng thời cũng có chậm trễ trong việc đưa nếp sống mới, văn hoá mới vào miền núi. Cần khắc phục các thiếu sót nói trên, "khắc phục tư tưởng dân tộc lớn và tư tưởng dân tộc hẹp hòi, đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc...".

2. Ngày nay, nước nhà đã thống nhất. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, đó là nguồn sức mạnh và là nguyên tắc cao nhất, dù Kinh hay Thượng, dù người dân tộc ở vùng này hay ở vùng khác, trước hết đều là người Việt Nam ở trong Tổ quốc Việt Nam thống nhất. Phải tiếp tục thực hiện phương hướng công tác dân tộc đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III, phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết dân tộc, thực hiện đầy đủ quyền bình đẳng giữa các dân tộc, động viên đồng bào các dân tộc trong cả nước tham gia tích cực vào việc xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá, củng cố quốc phòng, chống lại mọi âm mưu chia rẽ dân tộc của đế quốc và bọn tay sai của chúng. Trong giai đoạn mới, phải có sớm những chủ trương chính sách, đi đôi với nhiều biện pháp tích cực để chăm sóc sức khoẻ, cải thiện đời sống vật chất và văn hoá của đồng bào các dân tộc.

- Về kinh tế miền núi, kết hợp chặt chẽ nông nghiệp với lâm nghiệp, kết hợp nông nghiệp, lâm nghiệp với phong trào định canh, định cư, ra sức phát huy ba thế mạnh: nghề rừng, chăn nuôi, cây công nghiệp. Xúc tiến việc phân vùng kinh tế để Nhà nước có hướng đầu tư thích hợp.

Cần tổng kết công tác định canh, định cư cho thiết thực và có biện pháp để tiếp tục làm cho tốt. Ban dân tộc trung ương sẽ bàn với Ban nông nghiệp trung ương và Uỷ ban nông nghiệp trung ương để tiến hành việc này. Khi xây dựng và phát triển các vùng kinh tế mới thì, trong quy hoạch chung những vùng đó, phải bố trí kế hoạch phát triển sản xuất và cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương.

- Chú trọng khai thác và phát huy những nhân tố tích cực của văn hoá các dân tộc thiểu số trên đất nước ta, góp phần xây dựng nền văn hoá mới của nước Việt Nam thống nhất và xã hội chủ nghĩa. Cần có kế hoạch nâng nhanh trình độ văn hoá, trình độ khoa học kỹ thuật của đồng bào miền núi, phát triển mạnh sự nghiệp giáo dục, các hình thức trường học thích hợp với miền núi...

3. Miền núi có vị trí chiến lược và là địa bàn kinh tế quan trọng; công tác dân tộc trong tình hình cả nước thống nhất càng có ý nghĩa lớn. Cần kiện toàn Ban dân tộc trung ương để có đủ sức làm tham mưu cho Trung ương: nghiên cứu, đề xuất, tổng kết, giúp Trung ương giải quyết đúng và kịp thời các vấn đề có liên quan đến chính sách dân tộc. Ban dân tộc trung ương, Ban tổ chức trung ương làm việc với Ban đại diện trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam để chọn những cán bộ am hiểu tình hình các dân tộc thiểu số ở miền Nam (trong số đó cần có cán bộ người dân tộc ở miền Nam) bổ sung vào Ban dân tộc trung ương và tăng cường cơ quan của Ban dân tộc.

Ban dân tộc trung ương cần có kế hoạch điều tra, nắm tình hình về các dân tộc thiểu số ở miền Nam. Ban dân tộc trung ương cùng Ban tổ chức trung ương, theo dõi, nắm chắc tình hình cán bộ chủ chốt là người dân tộc thiểu số trong cả nước, có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển đội ngũ này.

Uỷ ban dân tộc của Chính phủ là cơ quan giúp Hội đồng Chính phủ theo dõi việc thực hiện ở các ngành và các cấp chính quyền, các chính sách có liên quan đến các dân tộc thiểu số; công khai hoá và cụ thể hoá những chủ trương, chính sách chung đã được Đảng thông qua; giúp đỡ các ngành xây dựng và thực hiện các chính sách và khi cần thiết, được Chính phủ uỷ nhiệm, đứng ra phối hợp các ngành, các đoàn thể kiểm tra hoặc giải quyết những vấn đề có liên quan đến các dân tộc thiểu số. Trong tình hình hiện nay, cơ quan Ban dân tộc trung ương và cơ quan Uỷ ban dân tộc của Chính phủ lồng vào nhau, nhưng cần cải tiến lề lối làm việc, có sự phân rõ công việc của Ban và của Uỷ ban. Ở trung ương, còn có cơ quan Dân tộc do Quốc hội cử ra. Chức năng và tổ chức của cơ quan này sẽ được Quốc hội xác định trong kỳ họp tới.

Ban dân tộc trung ương cần quan hệ mật thiết hơn nữa với Viện dân tộc học thuộc Uỷ ban khoa học xã hội để phối hợp và hỗ trợ nhau trong công tác nghiên cứu.

Ban dân tộc trung ương cùng Ban tổ chức trung ương, Ban tổ chức của Chính phủ nghiên cứu thêm về tổ chức bộ phận làm công tác dân tộc ở các ngành, các địa phương, có tham khảo ý kiến của các địa phương có các dân tộc thiểu số; Ban bí thư sẽ quyết định về vấn đề này trong một dịp khác.

4. Ban dân tộc trung ương căn cứ vào ý kiến của Ban bí thư, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn chỉnh "Đề cương chính sách dân tộc của Đảng trong giai đoạn mới" để báo cáo với Bộ chính trị, góp phần vào việc chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV.

Ngoài những vấn đề trên, Ban bí thư đồng ý cho Ban dân tộc trung ương được nghiên cứu, khai thác các tài liệu của chính quyền cũ có liên quan đến các dân tộc thiểu số ở miền Nam.

K/T CHÁNH VĂN PHÒNG

Phó Văn phòng

Đã ký: MINH CHÂU