Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng tham dự Hội nghị Quốc gia Thái học Việt Nam lần thứ VIII

02:32 PM 26/06/2017 |   Lượt xem: 10278 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, PCN Phan Văn Hùng Phát biểu chỉ đạo hội nghị Thái học lần thứ VIII

Tham dự Hội nghị các giáo sư, tiễn sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đầu ngành và các cộng tác viên đến từ các tỉnh, thành phố có cộng đồng Thái - Kadai trong cả nước.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, TS.Phan văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT ghi nhận những đóng góp, cống hiến của các nhà khoa học các nhà nghiên cứu đã góp phần làm sáng tỏ những giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng người Thái - Kadai Việt Nam trong lịch sử hiện tại và tương lai. Đồng thời làm sáng tỏ những vấn đề đặt ra đối với cộng đồng người Thái- Kadai trong quá trình phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường và chuyển đổi sinh kế cũng như đề xuất các chính sách, cơ chế phục vụ cho mục tiêu phát triển đối với cộng đồng người Thái - Kadai ở Việt nam và trên thế giới.

Toàn cảnh Hội nghị

Tại hội nghị, GS.TS.Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Đào tạo - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Ngữ hệ Thái- Kadai ở Việt Nam có 12 dân tộc, thuộc 2 nhóm ngôn ngữ: Nhóm ngôn ngữ Tày- Thái với 8 dân tộc gồm ( Tày,Thái, Nùng, Sán, Chay, Giáy, Lào, Lự, Bố Y); nhóm ngôn ngữ Kadai với 4 dân tộc (La Chí, La Ha, Cờ Lao, Pu Péo). Các dân tộc ngữ hệ Thái - Kadai cư trú chủ yếu ở khu vực miền núi và trung du phía Bắc và miền tây 2 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa. Các dân tộc ngữ hệ Thái - Kadai có vai trò quan trọng trong trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc, là lực lượng chủ yếu đóng vai trò “phên dậu” giữ gìn an ninh, chính trị, an toàn vùng biên giớ Phía Bắc và Tây Bắc của Tổ quốc trong suốt chiều dài của lịch sử. Đây cũng là dân tộc chủ nhân của các nền văn hóa phong phú, đa dạng, độc đáo và giàu bản sắc.

Hội nghị Quốc gia Thái học Việt Nam lần thứ VIII được tổ chức nhằm cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn, góp phần giải quyết các vấn đề trọng tâm, cấp thiết của các cộng đồng cư dân ngữ hệ Thái - Kadai ở Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển bền vững. Trên cơ sở kết quả thu được, Hội nghị sẽ đề xuất với lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trực tiếp là Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ủy ban Dân tộc, các tỉnh có cư dân Thái - Kadai sinh sống một số giải pháp, chính sách cụ thể để góp phần vào sự phát triển bền vững vùng Tây Bắc và cả nước.

Cũng theo giáo sư Phạm Hồng Tung, Chương trình Thái học đã thành công trong việc tập hợp phát triển đội ngũ cộng tác viên, trong đó đáng kể nhất là đội ngũ cộng tác viên nơi có đông người Thái – Kadai sinh sống, như: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An… đã có 142 bài viết và nhiều đề tài nghiên cứu về người Thái có giá trị quan trọng, góp phần làm phong phú thêm bản sắc của người Thái - Kadai.

Đã có 25 tham luận của các nhà khoa học hàng đầu về dân tộc học và những tác giả không chuyên trong cả nước trên nhiều lĩnh vực bàn về cộng đồng các dân tộc Thái, Tày, Nùng, Lự, Pu Péo…, trong đó có những vấn đề đáng quan tâm như tri thức bản địa trong việc giữ gìn rừng, nguồn nước. Sự hòa nhập của các cộng đồng tái định cư thuộc Nhà máy thủy điện Sơn La.

Các tham luận cũng đi sâu, quan tâm đến các vấn đề như phát triển du lịch cộng đồng, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Sự đóng góp của các thổ ty dòng họ với sự phát triển xã hội miền núi, hay việc tạo sinh kế cho người dân từ tập tục luân canh…

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng tặng quà cho gia đình chính sách người dân tộc nghèo ở huyện Con Cuông

Nhân dịp tham dự Hội nghị Quốc gia Thái học lần thứ VIII, thay mặt lãnh đạo UBDT, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng đã đến thăm, tặng quà cho một số gia đình chính sách đồng bào dân tộc ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

Minh Thứ