Tiếp tục vun đắp mối quan hệ truyền thống hữu nghị vĩ đại Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam

05:26 AM 08/12/2019 |   Lượt xem: 13557 |   In bài viết | 

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu tại Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam có đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT; Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Điểu K’ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Thái Thanh Quý, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Về phía nước bạn Lào có ông Xay - xổm - phon Phôm - vi - hản, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước cùng Lãnh đạo Bộ Nội vụ Lào; Lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương của hai nước, các nhà khoa học, đại diện những Người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sống dọc biên giới 10 tỉnh của hai nước Việt Nam, Lào cùng tham dự.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết: Thực hiện chủ trương của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước và tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về tăng cường quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Lãnh đạo hai nước khẳng định quyết tâm giữ gìn, vun đắp, phát triển mối quan hệ thủy chung, vĩ đại giữa hai nước.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Đoàn cấp cao Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước và tổ chức giao lưu nhân dân giữa đại biểu DTTS, Người có uy tín sinh sống dọc tuyến biên giới Việt Nam- Lào tại tỉnh Nghệ An là dịp để tiếp tục nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, các địa phương, đặc biệt là cộng đồng các DTTS về ý nghĩa, tầm quan trọng của truyền thống hữu nghị, sự ủng hộ chí tình giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong trong đấu tranh dành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển ở mỗi nước ngày nay, qua đó thấy trách nhiệm rõ hơn về ý thức giữ gìn, phát huy mối quan hệ thủy chung cho muôn đời sau.

Ông Xay - xổm - phon Phôm - vi - hản, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, ông Xay - xổm - phon Phôm - vi - hản, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước chia sẻ: Việt Nam - Lào là hai nước láng giềng có chung đường biên giới đi qua 10 tỉnh. Có tổng số 215 bản, 26 huyện với dân số hơn 83.400 người và 55 dân tộc cùng chung sống tại khu biên giới của hai nước. Các dân tộc có mối quan hệ gắn bó mật thiết, lâu đời. Mối quan hệ vĩ đại này bắt nguồn từ sự gần gũi về địa lý, sự hợp tác chặt chẽ và sự hỗ trợ lẫn nhau trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống tốt đẹp lâu đời giữa hai nước được hai Đảng, nhân dân hai nước không ngừng vun đắp, trở thành tấm gương mẫu mực, thủy chung, trong sáng, vững bền, hiếm có trong quan hệ quốc tế nhiều biến động hiện nay. Hội thảo lần này nhằm tiếp tục cụ thể hóa các thỏa thuận được ký kết giữa hai Đảng, hai Nhà nước trong giai đoạn 2012-2020; tiếp tục giữ gìn và vun đắp mối quan hệ gắn bó, đoàn kết giữa cộng đồng DTTS hai nước.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến khẳng định: Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định đại đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng; kiên định, nhất quán: Các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Chăm lo công tác dân tộc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, trong thời gian qua, công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Việt Nam đã đạt được kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. 

Để có được những kết quả đó, Đảng đã lãnh đạo xây dựng được đường lối đúng đắn, kiên định, nhất quán đối với công tác dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng thành hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, quyết định, để triển khai thực hiện.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, trong từng giai đoạn cách mạng, từng thời điểm cụ thể, phải tổ chức được sự kiện chính trị, xã hội mang tầm quốc gia để tập hợp, kết nối đồng bào DTTS với nhau, tạo sức lan tỏa và động lực để đồng bào DTTS phát huy nội lực, vươn lên trong cuộc sống.

Phải thật sự quan tâm đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tạo sinh kế, xoá đói giảm nghèo, giải quyết có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc trong đời sống của bà con; cùng với phát triển kinh tế, phải chăm lo giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của các dân tộc, đa dạng phong phú, thống nhất trong nền văn hóa Việt Nam.

Phải đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; quan tâm xây dựng đội ngũ cốt cán, Người có uy tín trong cộng đồng các DTTS, củng cố xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.

Bên cạnh đó, tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế về công tác dân tộc để trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau.

Toàn cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá khách quan những việc làm được và chưa làm được trong việc thực hiện công tác dân tộc và trong các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng dân tộc khu vực biên giới, từ đó đưa ra các giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu bế mạc Hội thảo.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Phải khẳng định rằng, mối quan hệ Việt - Lào là mối quan hệ đặc biệt thủy chung thắm tình hữu nghị. Sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào đã và đang tiếp tục được củng cố đổi mới và phát triển sâu rộng hơn, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển của mỗi nước. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng mong muốn thời gian tới hai nước cần tăng cường hơn nữa mối giao lưu nhân dân, hợp tác và chia sẻ nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng khối đại đoàn kết và công tác dân tộc. Phối hợp tổ chức các hội thảo xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, động viên nhân dân các địa phương dọc biên giới mỗi nước, hợp tác giúp đỡ nhau trên các lĩnh vực, tham gia giữ gìn an ninh trật tự trên dọc tuyến biên giới giữa Lào và Việt Nam để tình hữu nghị giữa hai dân tộc mãi mãi thủy chung và trường tồn trước những thử thách trong tình hình mới…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng với Lãnh đạo cấp cao của hai Nhà nước Việt Nam và Lào.

(baodantoc.com.vn)