Đảng ủy cơ quan UBDT tổ chức Hội nghị trực tuyến học tập chuyên đề: Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam
09:36 PM 09/06/2022 | Lượt xem: 1919 In bài viết |Sáng ngày 09/6/2022, tại trụ sở Ủy ban Dân tộc (UBDT), Đảng ủy cơ quan UBDT phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị trực tuyến học tập chuyên đề “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”. Đồng chí Nông Quốc Tuấn, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT dự và chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy; Ban Chấp hành các tổ chức đoàn thể cơ quan; Lãnh đạo các vụ, đơn vị; Cấp ủy các tổ chức Đảng trực thuộc và toàn thể các đồng chí đảng viên trong Đảng bộ cơ quan UBDT. PGS. TS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là báo cáo viên tại Hội nghị.
75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), ngày 24/11/2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tuyến. Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc". Từ đó, gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của từng ngành, vùng và địa phương, từng cơ quan, đơn vị; phát huy năng lực, trách nhiệm người đứng đầu trong việc phát triển văn hóa, xây dựng con người; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức, vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trước yêu cầu mới; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, khen thưởng, xử lý đối với hoạt động lãnh đạo, quản lý văn hóa; nhất là trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng con người.
Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần," "động lực phát triển," và "soi đường cho quốc dân đi." phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược.
PGS. TS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là báo cáo viên tại Hội nghị
Con người Việt Nam là sự kết tinh của nền văn hóa Việt Nam. Vì vậy quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc cũng chính là quá trình phát huy tối đa nhân tố con người, thực hiện chiến lược con người - khâu trung tâm của sự nghiệp xây dựng nền tảng tinh thần, tiềm lực văn hóa và chế độ XHCN của chúng ta. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa, phát triển bền vững đất nước. Đại hội XIII của Đảng xác định: Lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người phát triển toàn diện; phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam. Trong xây dựng con người, trọng tâm là xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và nhân cách. Văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, trở thành sức mạnh nội sinh, động lực đột phá cho phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Để phát huy sức mạnh và gá trị văn hóa, con người Việt Nam hiện nay, trước hết, cần đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, bởi đây là cội rễ của sức mạnh mềm văn hóa quốc gia. Đồng thời, quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa đương đại phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, tiến bộ để tiếp tục gia tăng thêm cơ tầng sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam và lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam cần tập trung vào một số nội dung: (1) Khơi dậy mạnh mẽ động lực tinh thần - ý chí, khát vọng phát triển đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc và con người Việt Nam; (2) Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực đột phá cho phát triển đất nước và hội nhập quốc tế; (3) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ IV và hội nhập quốc tế là đột phá chiến lược; (4) Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh quốc gia; (5) Xây dựng, phát triển ngành công nghiệp văn hóa, phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam; (6) Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng Đảng về đạo đức; xây dựng văn hóa công vụ./.
Cao Cường