Đánh giá thực trạng và đổi mới mô hình hoạt động của các cơ sở giáo dục trực thuộc Ủy ban Dân tộc

09:13 AM 30/08/2024 |   Lượt xem: 4104 |   In bài viết | 

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Thị Hà khẳng định: Trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng DTTS, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển. Các chính sách đối với đồng bào vùng DTTS, miền núi được thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đáp ứng yêu cầu - phát triển giáo dục và đào tạo, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Trong thực tế việc đào tạo, bồi dưỡng học sinh ở các cơ sở giáo dục trực thuộc Ủy ban Dân tộc có vai trò to lớn trong việc tạo nguồn đào tạo cán bộ và phát triển nguồn nhân lực DTTS, góp phần quan trọng trong sự phát triển KT-XH, giữ vững quốc phòng an ninh ở vùng DTTS, miền núi. Nhiều học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học vào học tập trong các cơ sở đào tạo, sau khi tốt nghiệp ra trường đã trở thành các nhà khoa học, quản lý, doanh nhân... nắm giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước và doanh nghiệp từ Trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, trong xu thế phát triển và hội nhập, vùng DTTS và miền núi đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó có các thách thức không dễ vượt qua như nguồn nhân lực tại chỗ thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Vì thế, việc đổi mới mô hình hoạt động, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cơ sở giáo dục trực thuộc Ủy ban Dân tộc là một những việc làm hết sức quan trọng vừa mang tính cấp bách vừa lâu dài, nhằm tạo nguồn đào tạo chất lượng cao cho vùng DTTS và miền núi.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Thị Hà phát biểu tại Hội thảo

Theo báo cáo tại Hội thảo, hiện nay, các trường dự bị đại học đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể về cơ cấu tổ chức: Các trường đang được thực hiện theo Thông tư số 24/2011/TT-BGDĐT và Thông tư 41/2013/TT-BGDĐT. Các Thông tư trên hiện không còn phù hợp với thực tiễn; việc thực hiện Thông tư ở các trường dự bị đại học không có sự thống nhất; quy định về cơ cấu tổ chức, số lượng, tên gọi các phòng chức năng, tổ bộ môn ở mỗi trường khác nhau, do đó cần phải sửa đổi, bổ sung, xây dựng Thông tư mới để thống nhất chung về cơ cấu tổ chức bộ máy trong hệ thống các trường dự bị đại học.

Công tác tuyển sinh học sinh dự bị đại học gặp nhiều khó khăn, chất lượng tuyển sinh chưa đồng đều giữa các trường, có nơi đầu vào còn thấp. Trong những năm gần đây, hầu hết các trường dự bị đại học gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, một trong những nguyên nhân là chất lượng giáo dục phổ thông vùng DTTS và miền núi được nâng lên, đặc biệt là chất lượng trường PTDT Nội trú, nên tỷ lệ học sinh vào các trường đại học đã đạt khoảng 55%, một số trường đạt tới trên 90%. Mặt khác, cơ chế tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng có nhiều đổi mới, các trường đại học sử dụng mọi hình thức để tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí có trường còn lấy điểm chuẩn thấp hơn cả điểm chuẩn của hệ dự bị đại học.

Các đại biểu thảo luận, phát biểu tại Hội thảo

Nội dung chương trình, giáo trình hệ dự bị đại học: Khung chương trình và nội dung môn học ban hành kèm theo Thông tư số 48 chưa thật sự phù hợp với mục tiêu bồi dưỡng và nhu cầu học tập của học sinh dự bị đại học theo hướng phát triển năng lực người học, đặc biệt là học sinh DTTS. Công tác xét chuyển học sinh vào các cơ sở đào tạo; Các trường gặp khó khăn về cơ chế phối hợp giữa cơ sở dự bị đại học với cơ sở đào tạo; các trường đại học thực hiện tự chủ trong tuyển sinh, do đó các trường đã đưa ra nhiều tiêu chí phụ về kết quả và chất lượng của học sinh dự bị (nhất là các trường đại học thuộc tốp đầu), học sinh các trường dự bị đại học rất khó đáp ứng…

Đặc biệt hiện nay, hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên trường dự bị đại học chưa được tập huấn Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018; chưa được tập huấn các chuyên đề liên quan đến đổi mới công tác quản lý giáo dục, nội dung và phương pháp giáo dục học sinh dân tộc. Chính sách cho học sinh trường PTDT nội trú, trường dự bị đại học đã rất bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, các mức hỗ trợ còn thấp.

Tại Hội thảo các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc góp phần xây dựng đề án đổi mới mô hình hoạt động của các cơ sở giáo dục trực thuộc Ủy ban Dân tộc của hệ thống các trường dự bị đại học và Học viện Dân tộc.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Thị Hà chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội thảo

Góp ý cho đề án, ông Trần Trung - Giám đốc Học viện Dân tộc đồng tình với những đề xuất trong xây dựng đề án, như đổi mới mô hình hoạt động của nhà trường, tạo sự thay đổi về tái cấu trúc phù hợp với bối cảnh thực tế.

Tuy nhiên, để giúp đề án hoàn thiện hơn, Ủy ban Dân tộc cần Đề nghị Thủ tướng chính phủ cho ý kiến sửa đổi một số nội dung trong Nghị định cho phù hợp như Nghị định 141/2020/NĐ-CP về công tác cử tuyển còn nhiều bấp cập chưa phù hợp, Nghị định số 84/2020/NĐ-CP quy định về chính sách chi trả học phí cho học sinh, Nghị định 81/2021/NĐ-CP chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên…

Thảo luận về vấn đề này, bà Ứng Thị Phượng - Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, đồng tình với những đề xuất xây dựng mô hình PTDT nội trú trọng điểm gắn với các trường dự bị đại học. Cũng theo bà Phượng, cần ưu tiên tập trung các nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách thu hút giáo viên và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học nội trú, bán trú, học sinh, nhà công vụ giáo viên và quan tâm đến công tác tập huấn cho giáo viên…

Phát biểu thảo luận tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo các Ban Dân tộc như Thái Nguyên, Lâm Đồng và Thanh Hóa đều có chung một trăn trở về hỗ trợ việc làm cho con em vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua Hội thảo này, cần đánh giá cụ thể thực trạng và đổi mới mô hình hoạt động của các cơ sở giáo dục, như cần mở rộng đối tượng vùng DTTS đưa vào nguồn đào tạo phát triển nhân lực ngay từ cấp tiểu học.

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà ghi nhận những ý kiến đóng góp, kiến nghị của các bộ, ngành, các trường chuyên biệt. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Thị Hà đề nghị Vụ Tổng hợp ghi nhận, tiếp tục thu thập các thông tin, ý kiến để hoàn thành dự thảo đề cương Dự án đổi mới mô hình hoạt động của các cơ sở giáo dục trực thuộc Ủy ban Dân tộc.

(Theo: Quỳnh Trâm - baodantoc.vn)