Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải tham gia giải trình về Nghị định 116/2010/NĐ-CP
08:08 PM 15/01/2017 | Lượt xem: 6526 In bài viết |Sáng 13/1, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng dân tộc của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình thực hiện Nghị định 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội Hà Ngọc Chiến chủ trì phiên giải trình. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải đã tham gia phát biểu giải trình.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ về tình hình triển khai thực hiện Nghị định 116/2010/NĐ-CP, trong giai đoạn 5 năm từ 2011-2015, tổng số đối tượng được hưởng chính sách theo Nghị định 116 là trên 1,6 triệu lượt người, tổng mức kinh phí thực hiện chi trả là 24.817.058 triệu đồng.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến chủ trì phiên giải trình
Báo cáo kết quả khảo sát tình hình thực hiện Nghị định 116/2010/NĐ-CP của Hội đồng Dân tộc Quốc hội cho thấy: Đây một chính sách, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đã được các địa phương chủ động, tích cực triển khai thực hiện, đã từng bước khắc phục được tình trạng thiếu cán bộ kéo dài trong nhiều năm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Nghị định này cũng nảy sinh nhiều vấn đề còn tồn tại, hạn chế… Báo cáo của Hội đồng Dân tộc Quốc hội cũng chỉ rõ, một số địa bàn chi sai đối tượng, tuy Bộ Tài chính đã có chỉ đạo không thu hồi, nhưng công tác rà soát, điều chỉnh và giải quyết, xử lý hậu quả ở một số địa phương vẫn chưa được thực hiện kịp thời...
Tại phiên giải trình, các đại biểu đã chỉ ra những bất cập của chính sách này, như: Việc quy định các tiêu chí xác định xã ĐBKK, xác định phạm vi, địa bàn, đối tượng được thụ hưởng chính sách chưa thống nhất, còn chồng chéo. Việc chỉ đạo, hướng dẫn các văn bản còn lúng túng và chậm. Trùng lặp về đối tượng, chính sách trên địa bàn, dẫn đến chi sai, gây thất thoát ngân sách. Việc phối hợp chưa đồng bộ giữa các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương trong quá trình thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết đánh giá kết quả chưa thường xuyên, chậm và thiếu thống nhất trong xử lý các bất cập, sai phạm. Hiệu quả chính sách chưa tương xứng so với nguồn lực ngân sách đã triển khai thực hiện. Chồng chéo trong chính sách hỗ trợ cán bộ công tác tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa nhận, trong quá trình xây dựng Nghị định, Bộ Nội vụ đã lấy ý kiến các bộ ngành và địa phương nhưng chưa rà soát các chính sách trước đây nên còn tồn tại sự chồng chéo...Những bất cập ấy dẫn tới việc thất thoát ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, việc xác định ai chi sai, chi sai bao nhiêu là rất khó, bởi ở đây còn có sự chồng chéo giữa các Nghị định. Bộ Nội vụ nhận sai trong việc kiểm tra tổ chức thực hiện và công tác hướng dẫn chưa được sát sao trong thời gian qua. Bộ sẽ chịu trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, những vấn đề chi sai sẽ có giải pháp thống kê chi tiết, đề nghị địa phương có báo cáo đầy đủ. Bên cạnh đó, cần tổng kết 5 năm thực hiện chính sách, từ đó có cách điều chỉnh rõ ràng cho từng vấn đề. Hiện, có tới 3 văn bản của Chính phủ quy định về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội ĐBKK. Do đó, Bộ Nội vụ đề nghị Chính phủ tổng kết và chỉ ban hành một Nghị định mới thay thế theo hướng thống nhất chính sách.
Phát biểu tại phiên giải trình, thay mặt lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải đánh giá cao báo cáo của Hội đồng Dân tộc Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị định 116/2010/NĐ-CP và cho rằng báo cáo đã đánh giá khách quan, toàn diện đầy đủ, phân tích nguyên nhân, chỉ ra hướng khắc phục. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải khẳng định: Rõ ràng trong quá trình thực hiện có sự bất cập do chồng chéo, trùng lắp, một số đối tượng thụ hưởng chưa đúng …
Về trách nhiệm của Uỷ ban Dân tộc, tuy không quy định cụ thể trong văn bản, nhưng với trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác dân tộc, năm 2013, 2014, Ủy ban Dân tộc đã tiến hành rà soát chính sách, đánh giá lại chính sách; làm việc với từng bộ, ngành về từng bất cập chính sách do cử tri, các cơ quan địa bàn phản ánh. Kết thúc việc rà soát, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc đánh giá lại các chính sách. Nghị định116/2010/NĐ-CP cũng nằm trong phản ánh của cử tri và qua kiểm tra thực tiễn, bước đầu Ủy ban Dân tộc đã nhận thấy những bất cập. Sau cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Ủy ban Dân tộc và Hội đồng Dân tộc Quốc hội năm 2014, Thủ tướng đã ra thông báo kết luận, trong đó nêu rõ yêu cầu trách nhiệm của từng Bộ, ngành trong việc thống nhất áp dụng thực hiện chính sách theo phân định.
Khẳng định những bất cập như đã nêu, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải đồng tình với những giải pháp khắc phục trong giai đoạn tới mà lãnh đạo các Bộ, ngành đưa ra; thống nhất giải pháp nên hợp nhất, tích hợp chính sách trong một văn bản để địa phương dễ thực hiện; các ngành chức năng dễ quản lý, giám sát, thanh kiểm tra, dự báo, bố trí nguồn lực để đảm bảo tính khả thi của chính sách.
Liên quan đến chính sách sắp tới; thực hiện Quyết định 50/2016/QĐ-TTg ngày 03/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định thôn ĐBKK, xã thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016-2020, hiện nay UBDT đã và đang tiến hành các bước rà soát từ địa phương, cơ sở, chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng yêu cầu trong quý I/2017 sẽ ban hành Quyết định chi tiết quy định về danh mục thôn ĐBKK, xã thuộc vùng DTTS và miền núi. Trên cơ sở các văn bản còn chồng chéo, cùng với Quyết định của Thủ tướng, sẽ tổ chức đánh giá lại, sau đó sẽ có Nghị định chung. Với trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, Uỷ ban Dân tộc sẽ quyết liệt hơn nữa để nhanh chóng khắc phục những hạn chế của chính sách.
Phát biểu kết luận phiên giải trình, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị Chính phủ tổng kết toàn diện, nghiêm túc việc triển khai thực hiện Nghị định 116/2010/NĐ-CP và các Nghị định liên quan, đánh giá tác động toàn diện về kinh tế, xã hội trong quá trình thực hiện trong 5 năm qua. Trên cơ sở tổng kết, xây dựng một Nghị định mới thay thế Nghị định 116/2010/NĐ-CP, quy định rõ từng tiêu chí. Trước mắt, từng Bộ, ngành trên cơ sở chức năng của mình, cần hướng dẫn kịp thời cho các địa phương tiếp tục thực hiện Nghị định 116/2010/NĐ-CP.
Thanh Huyền