Hội nghị giao ban công tác dân tộc khu vực Miền trung - Tây nguyên
04:02 PM 23/06/2017 | Lượt xem: 8147 In bài viết |Sáng ngày 23/6, tại TP Buôn Ma Thuột, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác dân tộc 6 tháng đầu năm 2017 khu vực Miền trung – Tây Nguyên. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Quốc Tuấn tham dự và chỉ đạo Hội nghị. Dự Hội nghị có Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, UBND tỉnh Đắk Lắk và 10 Ban Dân tộc các tỉnh Miền trung – Tây Nguyên.
Báo cáo tình hình công tác dân tộc các tỉnh Miền trung – Tây Nguyên, ông Nguyễn Xuân Đức, Vụ trưởng Vụ địa phương II cho biết, toàn vùng hiện nay có 3074 thôn ĐBKK, 337 xã khu vực III, 479 xã khu vực II và 15 huyện nghèo được thụ hưởng chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững.
Thực hiện công tác dân tộc 6 tháng đầu năm 2017, 10 tỉnh Miền trung – Tây nguyên được phân bổ hơn 750 tỷ đồng theo Chương trình 135. Hiện nay, các địa phương đang tiến hành thủ tục chuẩn bị hồ sơ thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các công trình hạ tầng và duy tu bảo dưỡng trong hợp phần đầu tư cơ sở hạ tầng. Đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, một số địa phương cũng đã chủ động thực hiện các hoạt động của dự án.
Năm 2017, chính sách người có uy tín tiếp tục được thực hiện với đề án “Tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng DTTS”. Hiện nay, 10 tỉnh trong khu vực đã bầu được 4919 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Các tỉnh đã được phê duyệt tổng số vốn là trên 10 tỷ đồng để các địa phương triển khai thực hiện theo quy định.
Thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS” năm 2017, UBDT đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai thực hiện và xây dựng mô hình điểm tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Ninh Thuận. Các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi được phân bổ vốn với tổng kinh phí là 897 triệu đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Quốc Tuấn ghi nhận: Trong thời gian qua, cùng với việc triển khai các chính sách của Trung ương, các Ban Dân tộc đã nâng cao vai trò trong việc tham mưu cho lãnh đạo tỉnh đề ra các chính sách đặc thù. Tuy nhiên bên cạnh đó, công tác dân tộc tại địa phương vẫn tồn tại những hạn chế nhất định, như việc đánh giá hộ nghèo theo tiêu chí mới còn gặp lúng túng, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chưa được đẩy mạnh, chính sách vay vốn chưa đáp ứng được kỳ vọng đặt ra. Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị các địa phương cần rà soát, đánh giá về công tác dân tộc theo hướng kiểm tra lại các chính sách của Trung ương đang triển khai trên địa bàn và những chính sách riêng của địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần chú trọng nâng cao trình độ của cán bộ làm công tác dân tộc đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý.
Thiên Đức