Ban hành Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045

06:00 PM 28/01/2022 |   Lượt xem: 4210 |   In bài viết | 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh và các đồng chí Lãnh đạo UBDT chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác dân tộc năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 (ngày 19/01/2022).

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là ưu tiên phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi; khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của Vùng, bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào DTTS; rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào DTTS và miền núi so với vùng phát triển.

Giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, cải thiện rõ rệt đời sống và nâng cao sinh kế của Nhân dân, chú trọng thu hút các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) đồng bộ, kết nối với các vùng phát triển.

Đẩy mạnh phát triển đồng bộ các lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS...

Cùng với đó, xóa bỏ dần các phong tục tập quán lạc hậu, đồng thời bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp đặc trưng của các dân tộc; tập trung xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Mục tiêu của Chiến lược hướng tới đến năm 2025: Phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3%; 99% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 98% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế; 50% số lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS...

Về nhiệm vụ, Chiến lược xác định xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng, đặc thù của vùng đồng bào DTTS và miền núi, hướng tới phát triển bền vững và thúc đẩy tinh thần tự lực, từ cường của đồng bào DTTS trong phát triển KT-XH, giảm nghèo nhanh, bền vững và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới, kết hợp với phát huy các tri thức bản địa và kinh nghiệm sống, sản xuất của đồng bào. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề đối với con em vùng đồng bào DTTS và miền núi; tập trung đào tạo, bồi dưỡng các chuyên ngành có nhu cầu bức thiết.

Phát triển mạnh hạ tầng kinh tế số, đẩy mạnh chuyển đổi số vùng đồng bào DTTS và miền núi; xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia về dân tộc phục vụ công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo của các cơ quan chức năng. Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ; khuyến khích khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đổi mới, sáng tạ, phát minh, sáng chế phù hợp với điều kiện đặc thù của các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi; tăng cường đồng thuận xã hội; củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước.

Để đảm bảo nguồn lực thực hiện, Chiến lược Công tác dân tộc xác định xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp ưu tiên huy động các nguồn lực (vốn ODA, vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài) để thực hiện các mục tiêu đề ra. Kinh phí thực hiện Chiến lược được đảm bảo từ ngân sách Nhà nước và huy động từ các nguồn hợp pháp khác. Đề xuất các chính sách đặc thù để khuyến khích, thu hút và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chiến lược; bảo đảm việc lồng ghép thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Công tác dân tộc với các mục tiêu của Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030; Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm và hàng năm của Trung ương và địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022.

UBND các tỉnh, thành phố thực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác dân tộc và nội dung, nhiệm vụ của Chiến lược Công tác dân tộc...

File đính kèm