Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Thị Hà tham dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Hậu Giang lần thứ IV, năm 2024

04:38 PM 03/11/2024 |   Lượt xem: 912 |   In bài viết | 

Nhiều kết quả nổi bật

Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Hậu Giang lần thứ IV, năm 2024, với chủ đề "Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển". Đánh giá lại tình hình sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Hậu Giang lần thứ III, năm 2019, báo cáo chính trị tại Đại hội nêu rõ, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS trong tỉnh không ngừng được nâng cao.

Các chương trình, chính sách dân tộc và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai thực hiện nghiêm túc; nguồn lực đầu tư hỗ trợ của các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng theo các năm, cụ thể: Năm 2021, tăng 3,28% (đứng thứ 2 trong khu vực và thứ 39 cả nước); năm 2022, tăng 13,94% (đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vươn lên thứ 4 của nước); năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,27% (đứng thứ 2 của cả nước), thu nhập bình quân đầu người là 80,33 triệu đồng (tăng 35,33 triệu đồng so với năm 2019). Biên độ giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh trung bình hằng năm ở mức cao, là 1,66%. Cụ thể, giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 5,11% (năm 2019) xuống còn 3,29% (cuối năm 2023).

Các đại biểu tham dự Đại hội thực hiện nghi thức chào cờ

Hiện tại, 100% số xã trong vùng có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa đến trung tâm xã; 100% ấp có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố 100%; tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt 100%; tỷ lệ đồng bào DTTS được nghe Đài Phát thanh truyền hình đạt 100% (vượt 5%); tỷ lệ huy động học sinh từ mầm non đến phổ thông đạt 99,82% (vượt 1,82%); tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt 98% (vượt 14,19%).

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Hậu Giang được Trung ương phê duyệt 49 ấp đặc biệt khó khăn, 32 xã thuộc 3 khu vực vùng DTTS (trong đó có 4 xã khu vực III,14 xã khu vực II, 14 xã khu vực I). Tuy nhiên, đến giai đoạn 2021 - 2025, vùng DTTS của tỉnh đã giảm còn 2 xã khu vực III (tương ứng giảm 50%) và giảm 43 ấp đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III (tương ứng giảm 87,75%).

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Thị Hà phát biểu chỉ đạo tại Đại hội

Đến nay, Hậu Giang đã có 41/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 3 huyện/thị xã đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đang sở hữu 266 sản phẩm OCOP, trong đó: Có 92 sản phẩm OCOP 4 sao, 174 sản phẩm OCOP 3 sao, 11 sản phẩm đăng ký dự thi sản phẩm OCOP 5 sao của Trung ương.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở vùng đồng bào DTTS có nhiều tiến bộ, mạng lưới cơ sở giáo dục được phát triển rộng khắp, cơ sở vật chất được đầu tư nâng cấp, chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao. Các chế độ đối với cán bộ quản lý, giáo viên và chính sách đối với trẻ em, học sinh, sinh viên DTTS được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng theo quy định. 

Công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, dạy học tiếng DTTS luôn được quan tâm triển khai và được xã hội đồng thuận, đánh giá cao. Các địa phương thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được quan tâm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, tham gia tích cực trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Thị Hà trao Bằng khen của Bộ trưởng UBDT cho 1 tập thể và 5 cá nhân và trao Kỷ niệm chương tại Đại hội

Hướng tới mục tiêu lớn

Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Thị Hà bày tỏ vui mừng trước thành tựu trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh Hậu Giang. Thứ trưởng cũng khẳng định, Đại hội là một sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, một biểu tượng đặc biệt về khối đại đoàn kết gắn bó “keo sơn” giữa các dân tộc Việt Nam.

Hướng tới mục tiêu và nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Thị Hà đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và cán bộ, đảng viên tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nhận thức và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc…

Các cấp ủy, chính quyền các cấp và đồng bào các dân tộc của tỉnh Hậu Giang cũng chú trọng hơn nữa việc đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao nhất, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS, thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) trên địa bàn tỉnh.

Các cá nhân được trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội

Dịp này, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Nông Thị Hà thay mặt lãnh đạo UBDT tặng Bằng khen cho 1 tập thể, 5 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc" cho 5 cá nhân có nhiều cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

UBND tỉnh Hậu Giang trao tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 20 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc thời gian qua. 

(Theo: baodantoc.vn)