Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải tham dự Hội thảo chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm phổ biến, giáo dục pháp luật các tỉnh khu vực phía Nam
09:40 AM 21/10/2022 | Lượt xem: 2532 In bài viết |Tham dự và chỉ đạo Hội thảo có ông Lê Sơn Hải - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông Hoàng Đức Thành - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ủy ban Dân tộc), Thiếu tướng Thùng Văn Nghiểm - Phó Cục trưởng Cục an ninh nội địa cùng hơn 120 đại biểu là lãnh đạo Ban Dân tộc các tỉnh: Bình Phước, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu; các đại biểu là báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, huyện, tuyên truyền viên, hòa giải cơ sở; bí thư chi bộ, trưởng thôn, ấp, các già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chức sắc, chức việc, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
Hội thảo nhằm trao đổi về nhu cầu, nội dung chính sách pháp luật cần phổ biến sâu rộng ở địa phương trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 cho phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 và Chiến lược công tác dân tộc (Nghị quyết 10/NQ-CP). Đây là một trong những sự kiện nhằm thực hiện Quyết định số 536/QĐ-UBDT ngày 16/8/2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2022 thuộc nội dung số 2, Tiểu dự án 1, Dự án 10 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn đoạn I: từ năm 2021 - 2025.
Hội thảo với nhiều nội dung quan trọng về giải pháp đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Bên cạnh đó, hội thảo nhằm trao đổi về nhu cầu, nội dung chính sách pháp luật cần phổ biến sâu rộng ở địa phương trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 cho phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 và Chiến lược công tác dân tộc (Nghị quyết 10/NQ-CP). Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; kinh nghiệm phổ biến pháp luật cho người DTTS ở một số quốc gia và giá trị tham khảo cho Việt Nam; kinh nghiệm phổ biến, giáo dục pháp luật, đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền thù địch của các thế lực phản động trong vùng đồng bào DTTS.
Ông Hoàng Đức Thành - Vụ trưởng Vụ Pháp chế đại diện Ủy ban Dân tộc trình bày tham luận tại Hội thảo
Ngoài ra, hội thảo còn triển khai chia sẻ, thảo luận kỹ năng, hình thức, phương thức, giải pháp phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả trong vùng đồng bào DTTS và miền núi như: kỹ năng tuyên truyền miệng; sân khấu hóa; thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở; thông qua hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống vùng đồng bào DTTS và miền núi; chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật…
Từ đó, phổ biến, nhân rộng những cách làm hay, mô hình có hiệu quả trong thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của địa phương. Giao lưu kinh nghiệm phối hợp, lồng ghép, triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đồng bào vùng DTTS và miền núi. Trên cơ sở đó, đưa ra những kiến nghị, đề xuất, giải pháp đặc thù để nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến giáo dục phù hợp với phong tục, tập quán và tình hình thực tiễn của đồng bào vùng DTTS và miền núi của địa phương.
Các đại biểu đã được nghe các báo cáo tham luận và chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng xây dựng kế hoạch, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật và rút ra được những kinh nghiệm trong việc lựa chọn nội dung, hình thức và các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả.
Tại hội thảo, đã có 15 tham luận và ý kiến phát biểu trao đổi, chia sẻ về những kinh nghiệm cụ thể trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào kỹ năng xây dựng kế hoạch, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật và lựa chọn nội dung, hình thức và các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả kinh nghiệm phổ biến giáo dục pháp luật cho người DTTS ở một số quốc gia và giá trị tham khảo cho Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm phổ biến, giáo dục pháp luật, đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền thù địch của các thế lực phản động trong vùng đồng bào DTTS.
Nội dung tham luận còn đề cập việc đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Thực trạng công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Thuận; Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này trong thực hiện tiểu dự án 2, Dự án 10 Chương trình mục tiêu Quốc gia; Phổ biến, giáo dục pháp luật khu vực miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh tỉnh Khánh Hòa, thực trạng và kiến nghị một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả; Một số kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật đối với đồng bào DTTS của xã/thôn/bản.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải khẳng định các tham luận và ý kiến phát biểu của các đại biểu đã tập trung làm rõ một số kết quả và kinh nghiệm phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là việc lựa chọn nội dung, hình thức và các mô hình hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, tập quán, văn hóa của đồng bào DTTS; đánh giá được những khó khăn, vướng mắc và có đề xuất, kiến nghị các giải pháp bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác này. Những ý kiến này sẽ là nguồn thông tin quan trọng để Ủy ban Dân tộc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện...
Thông qua hội thảo, giúp cho các đại biểu hiểu rõ hơn về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đồng bào DTTS, những khó khăn và hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Qua đó, mỗi đại biểu sẽ có nhận thức riêng, chủ động áp dụng linh hoạt những kinh nghiệm để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với đồng bào DTTS tại địa phương mình.
(Nguồn: Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước)