Xây dựng mô hình điểm tổ chức cộng đồng xây dựng nông thôn mới

09:52 AM 29/07/2016 |   Lượt xem: 18200 |   In bài viết | 

Đồng bào các dân tộc tham gia bê tông hóa đường giao thông (ảnh tư liệu)

Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc, Mặt trận Tổ quốc, Sở Văn hóa, Hội liên hiệp phụ nữ, Trường THPT DTNT tỉnh; UBND huyện Mường Khương; Trường PT DTNT,Trạm khuyến nông huyện Mường Khương; Đảng ủy, UBND, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Bản Lầu huyện Mường Khương.

Dự án “Xây dựng mô hình điểm tổ chức cộng đồng xây dựng nông thôn mới ở 3 xã đặc biệt khó khăn thuộc 3 huyện nghèo (CT 30A) của 3 khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ” được triển khai tại 03 xã khó khăn thuộc 03 khu vực: Xã Bản Lầu (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai), xã Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng), xã Tân Hiệp (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh), với mục tiêu chung là xây dựng mô hình điểm tổ chức cộng đồng dân cư cấp thôn/bản/ấp phù hợp với đặc điểm kinh tế – văn hóa – xã hội, đặc trưng của 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ nhằm phát huy nội lực để xây dựng nông thôn mới và phát triển cộng đồng ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn phù hợp với bản sắc văn hóa, tri thức truyền thống, tri thức địa phương của các dân tộc thiểu số.

Mô hình điểm xây dựng tại xã Bản Lầu, huyện Mường Khương bao gồm 02 tiểu mô hình: Tiểu Mô hình tổ chức quản lý xã hội và Tiểu mô hình tổ chức quản lý sản xuất. Trong đó, Tiểu mô hình tổ chức quản lý xã hội sẽ triển khai 04 hoạt động: Phát triển cộng đồng dựa vào nội lực của người dân (ABCD), thông tin, giáo dục và truyền thông phát triển cộng đồng (IEC), hỗ trợ cộng đồng bảo vệ môi trường, hỗ trợ cộng đồng phát triển hương ước, quy ước thôn; Tiểu mô hình tổ chức quản lý sản xuất là xây dựng tổ hợp tác (hợp tác xã) sản xuất lúa lai năng suất cao LC270 ở thôn Làng Ha, xã Bản Lầu.

Tại Hội thảo định hướng, các ý kiến phát biểu đều cho rằng, Bản Lầu khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới ở điểm xuất phát thấp và chưa có mô hình nào để làm theo, một số người dân còn trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước. Dự án được triển khai tại địa phương là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh nguồn lực đầu tư của tỉnh, huyện còn nhiều khó khăn.

Đối với các nội dung cụ thể, nhiều đại biểu nêu rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới. Đối với nội dung quy ước, hương ước thì cần phải mang tính cụ thể, loại bỏ được những hủ tục lạc hậu... Nhiệm vụ đặt ra là làm sao xây dựng được chương trình, kế hoạch sát với thực tế, phát huy được nội lực của người dân địa phương, sức mạnh của cộng đồng; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; cần sự quyết tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở xã Bản Lầu.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS Ngô Quang Sơn, Chủ nhiệm dự án ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu để tiếp tục triển khai các nội dung của dự án. Hy vọng chính quyền địa phương và bà con nhân dân xã Bản Lầu sẽ triển khai dự án với quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ với Ban Chủ nhiệm dự án để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của chương trình nông thôn mới.

Phương Đoàn