Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn

03:50 AM 12/10/2010 |   Lượt xem: 3241 |   In bài viết | 

Sau khi nghiên cứu kỹ các Dự thảo chúng tôi rất phấn khởi và tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng. Cảm nhận chung của chúng tôi là: Các Dự thảo có rất nhiều cái mới được thể hiện ở chính nội dung đã từng được đề cập, nhưng không hề lặp lại, mà thay vào đó là những vấn đề có sự kế thừa qua quá trình phát triển của Ðảng, các kỳ Đại hội được đúc kết lại và chỉ ra những định hướng với tinh thần mới, nội dung mới. Với một chủ đề bao quát, nội dung chặt chẽ, kết cấu từng phần khúc triết, rõ ràng, Dự thảo đã làm nổi bật những định hướng, chủ trương, đường lối của Ðảng cho sự phát triển của đất nước thời kỳ đổi mới.

Chúng tôi vô cùng phấn khởi thấy Ðảng, Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm tới công tác giáo dục và đào tạo,  tiếp tục coi giáo dục và đào tạo là quốc sách. Tại mục V của Dự thảo "Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khoá X tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng" đã nêu một tiêu đề: "Ðổi mới và phát triển giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; phát triển kinh tế tri thức; bảo vệ môi trường". Nghiên cứu kỹ ở phần này chúng tôi thấy: Ðây là một vấn đề mới.

Thực tế cho thấy: Hơn 20 năm đổi mới, nhờ chủ trương và sự quan tâm của Ðảng về công tác giáo dục và đào tạo, nên chất lượng giáo dục và đào tạo nước ta có bước phát triển vượt bậc. Hệ thống quy mô, mạng lưới giáo dục và đào tạo của các cấp học, loại hình đào tạo đều tăng. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, bên cạnh sự phát triển và thành tựu đạt được, thì khoảng cách của giáo dục và đào tạo giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa còn có sự chênh lệch lớn. Do  nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình phức tạp, việc xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách dân tộc còn bất cập, nguồn lực đầu tư hạn chế nên vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn gặp nhiều khó khăn...

Vì vậy tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo, tái nghèo trong đồng bào còn cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều nơi còn thấp kém... Trình độ dân trí, mức hưởng thụ văn hóa và các tiến bộ xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương còn thấp.

Ðể đạt được mục tiêu phấn đấu như Dự thảo: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2010-2020 đề ra. Chúng tôi đề nghị: Ðảng, Nhà nước cần quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo miền núi, như: quan tâm đầu tư kinh phí thông qua các chương trình, dự án giúp các địa phương đặc biệt khó khăn phát triển giáo dục và đào tạo xây dựng trường dân tộc nội trú liên xã, nhà ở cho giáo viên, đào tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số từ các trường dân tộc nội trú; có chế độ thỏa đáng đối với học sinh, giáo viên người dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc; có chính sách và chiến lược lâu dài đào tạo đội ngũ giáo viên người dân tộc thiểu số có trình độ trên chuẩn...; chú trọng triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, phương pháp dạy học ở vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thực hiện chế độ chính sách nhằm bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của người học; quan tâm, giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó cần đổi mới cơ chế quản lý, chỉ đạo phù hợp; phát huy tính chủ động, sáng tạo của cơ sở, huy động mọi nguồn lực để phát triển giáo dục. Củng cố và tăng cường hệ thống các trường dân tộc thiểu số nội trú, trường bán trú dân nuôi, thu hút học sinh đến trường, chấm dứt tình trạng học sinh bỏ học, thất học, học sinh khó khăn phải bỏ học...

Với suy nghĩ đó, chúng tôi đề nghị: Dự thảo "Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng"  tại phần 1 nhỏ của mục V-"Ðổi mới và phát triển mạnh mẽ giáo dục đào tạo" nên thêm cụm từ: nâng cao chất lượng vào câu: "Quan tâm hơn tới phát triển giáo dục và đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn", thành: Quan tâm hơn tới phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn", để bảo đảm  tính nhất quán trong chủ trương, chương trình hành động.

Theo ND