Tục lệ đón các tết trong năm của dân tộc Phù Lá

02:14 AM 13/10/2010 |   Lượt xem: 4524 |   In bài viết | 
Nên ngày từ những ngày đầu tháng Bảy, các gia đình trong làng đã tất bật dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị thực phẩm, gà, lợn, giấy tiền, quần áo, vàng hương... để đón tổ tiên, anh em về ăn tết với gia đình. Người Phù Lá thường ăn tết tháng Bảy từ ngày 10/7 đến hết ngày 14/7 (âm lịch). Từ ngày mồng mười trở đi, các gia đình dọn dẹp bàn thờ, bày hoa quả cúng gọi tổ tiên trong gia đình về ăn tết cho đến ngày mười bốn thì tiễn các cụ. Người Phù Lá tổ chức ăn tết tháng bẩy với quan niệm con cháu có dịp mời tất cả linh hồn những người đã mất trong dòng họ về ăn tết, còn những ngày lễ tết khác thì chỉ có một số người mới được con cháu mời về. Mặt khác, người Phù Lá cũng cho rằng, ngày tết các gia đình con cháu đều tổ chức ăn tết, các cụ tổ tiên sẽ không đến đủ mọi nhà nên con cháu phải tổ chức sớm và kéo dài thì tổ tiên mới đến ăn tết hết các nhà con cháu.

Theo phong tục của người Phù Lá, ngày tết tháng Bảy các gia đình đều chuẩn bị một mâm ngũ quả bầy đủ bẩy loại quả theo lý tháng bảy gồm bảy loại quả khác nhau như: lựu, lê, dứa, dưa chuột, chuối, cà tím, ngô, củ măng… Trong các loại quả đó bắt buộc phải có quả cà tím vì quả cà (sì chư) vì nó mang tên của tháng Bảy (sì dì). Mâm ngũ quả được trang trí đẹp và gọn trên một chiếc bàn đặt ở góc trái đối diện bàn thờ tổ tiên, họ không bày hoa quả lên bàn thờ tổ tiên. Họ còn chuẩn bị tiền và thuyền bằng giấy màu vàng, tiền để tổ tiên dùng khi đi đường. Ngoài ra, người Phù Lá dùng các loại giấy màu như: xanh, đỏ, tím, vàng, đen, trắng, cắt thành hình người, mỗi màu một hàng và mỗi hàng bảy hình người để tượng trưng hình hài của tổ tiên về ăn tết. Ngày đón tổ tiên về ăn tết, gia đình bao giờ cũng mổ một con gà trống hoặc lợn để thắp hương. Khi cắt tiết gà hoặc lợn bao giờ người Phù Lá cũng lấy thếp giấy tiền đã được chuẩn bị trước quệt cho tiết dính vào để hôm cuối cùng mang đốt cho tổ tiên với ý nghĩa vật chứng là con cháu đã mổ gà, mổ lợn cúng các cụ. Gà được luộc chín, để cả con bày vào mâm cùng với cơm, rượu, rồi chủ nhà châm hương, đốt giấy tiền mời các cụ tổ tiên về ăn trước. Cúng tổ tiên xong, gia đình mời họ hàng và làng xóm đến dùng cơm.

Tết tháng Bảy của người Phù Lá mang đậm nét tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, thể hiện triết lý nhân sinh quan và một niềm tin về cuộc sống vĩnh hằng của con người. Cũng là dịp để các thế hệ con cháu nhớ về nguồn cội của mình, đồng thời tạo cho con người khoảng thời gian nghỉ ngơi, giao lưu gặp gỡ anh em, bạn bè cùng nâng chén rượu chúc cho mùa màng tươi tốt, làm ăn gặp nhiều may mắn, gia đình ấm no, hạnh phúc.

Ngoài ra, với đặc thù riêng về phong tục tập quán, lối sống, ngày nay người Phù Lá vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là tục ăn Tết cơm mới. Trong ngày làm lễ cơm mới, người nhiều tuổi nhất trong nhà ra nương một mình gặt một vài cụm lúa mới về cúng tổ tiên. Họ dựng một ngôi sàn nhỏ trên nương, bày ba chén rượu, ba đôi đũa, một hòn đá, một quả trứng gà luộc, một nắm cơm và ba sợi chỉ trắng, rồi khấn thần lúa. Sau đó, lấy ba sợi chỉ buộc vào ba cây lúa để hồn lúa không bay đi, rồi cắt 6 khóm lúa mới ở cạnh đó. Việc cắt lúa được thực hiện từ tây sang đông. Người Phù Lá quan niệm, khi gặt mà hướng về phía mặt trời mọc thì thóc lúa sẽ được nhiều và gặt phải nhanh, phải nhìn chăm chăm vào khóm lúa đang gặt để tránh chim chuột biết đến tranh cướp hết. Sau đó bày sáu khóm lúa vừa gặt dưới chân bàn thờ, rồi bóc quả trứng luộc để xem. Nếu lòng trắng quả trứng tròn, mịn màng thì năm đó mùa màng thất bát. Vì thế, trước khi ra về, kết thúc nghi lễ của ngày đầu tiên, người gặt sẽ cắm một cái ta leo để cấm người lạ. Ngày thứ hai, cả vợ và chồng cùng đi gặt. Theo phong tục, họ không được nói gì và mỗi người gặt đủ 15 bó lúa và cúng như ngày hôm trước. Ngày thứ ba, cả gia đình cùng tham gia gặt lúa và vẫn được tiến hành trong im lặng. Đến khi, lúa đã cơ bản gặt xong, chủ nhà bỏ cái ta leo đi thì mọi người mới được nói chuyện bình thường.

Sau những nghi lễ của mùa gặt, gia chủ chờ đến một ngày tốt làm lễ ăn cơm mới chính thức. Lễ gồm ba mâm cơm: mâm thờ mẹ hoặc bà nội, gồm các loại thịt thú rừng sấy khô, hoa chuối đồ, củ gừng, củ khoai sọ và tám bát rượu to, nhỏ. Hai mâm thờ bố hoặc ông nội có các món tương tự, nhưng cơm cũ và chỉ có một bát to và một bát nhỏ. Khi cúng, thầy mo cúng mâm bố trước, cúng mâm mẹ sau. Lúc này, bà chủ nhà hoặc vợ của các người anh em chồng phải ngồi túc trực bên mâm. Lễ cúng xong, phụ nữ được ăn cơm trước và ăn ở mâm có cơm mới. Bà chủ nhà sẽ gói một gói cơm mới và một bát rượu to cho chồng, rồi đem thêm cơm mới cùng các thức ăn ngon cúng ở mâm mẹ chia cho các thành viên nam giới ngồi bên mâm cúng bố. Nhiều người trong bản cùng đến ăn cơm mới và múa hát cùng gia chủ.

Khi mùa xuân về, muôn sắc hoa nở rộ trên khắp sườn núi, bản làng, đồng bào các dân tộc Phù Lá chuẩn bị đón xuân, vui Tết cổ truyền. Để chuẩn bị đón Tết, từ tháng chạp, đồng bào đã chuẩn bị củi, sấy khô cá, nấu rượu và chuẩn bị lá dong để gói bánh chưng. Vào dịp gần Tết, đàn ông Phù Lá làm rất nhiều yên ngựa mang đến chợ bán để lấy tiền chi tiêu cho ngày tết. Vào các phiên chợ cuối năm, phụ nữ dân tộc Phù Lá nô nức đi chợ mua sắm quần áo, giày dép cho con cùng các hàng hóa phục vụ cho ngày Tết như: hương, tiền giấy vàng, muối, dầu… Ngày 30 Tết, mỗi gia đình thường vào rừng lấy một ngọn trúc về để quét dọn trong nhà và đặt bàn thờ tổ tiên, với mong muốn quét sạch mọi cái xấu của năm cũ và đón một năm mới an lành, bội thu.

Trong không khí rộn rã, tất bật để chuẩn bị cho ngày tết, họ gói bánh chưng, bánh dầy, mổ gà, thịt lợn, các chàng trai, cô gái cùng nhau giã bánh dầy. Họ vừa giã vừa hát: Giã là giã bánh dầy/ Giã cho thật đều tay/ Hãy nhanh tay lên nào/ Anh chị em ta ơi/ Đừng có một ai mệt/ Mà ta nghỉ trước nhé/ Sẽ bị té nước ướt/ Không một ai được kêu/ Hãy nhanh tay lên nào/ Anh chị em ta ơi/ Để bánh ta chóng nhuyễn/ Đừng để bánh ta sống/ Khi bánh ta được rồi/ Ta làm cái bánh to/ Bằng mặt của ông trời/ Để cúng tổ, cúng tiên/ Ta làm cái bánh to/ Bằng mặt của ông trăng/ Để phần cha, phần mẹ/ Ta làm các bánh nhỏ/ Để chia cho mọi người/ Hãy nhanh tay lên nào/ Cho bánh ta chóng mềm/ Anh chị em ta ơi.

Bài hát làm cho không khí trở nên vui nhộn và quên đi mệt mỏi, họ vừa giã vừa nhún theo nhịp điệu và đi vòng quanh cối cho tới khi bánh nhuyễn, giã hết mẻ này đến mẻ khác.

Vào đêm 30 tết, các cụ già trong bản thường thức để nghe các con vật trong rừng hay các con vật nhà nuôi, xem con nào kêu trước, họ phán đoán năm đó làm ăn có phát đạt không, trong năm gặp điềm lành hay điềm dữ. Các thầy cúng đến bên bàn thờ tổ tiên để cúng trời, cúng đất, xin các vị thần đọc tên các con vật, phù hộ độ trì cho con cháu mạnh khỏe, cả bản làm ăn phát đạt, mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa.

Tết là một dịp để cả cộng đồng họp mặt. Vào ngày mồng một Tết, mọi người đều mặc bộ trang phục mới và đẹp nhất, đi chúc Tết bố mẹ, ông bà và người thân, hàng xóm. Các gia đình đến chúc nhau năm mới mạnh khỏe, trồng được nhiều thóc ngô, nuôi được nhiều lợn gà, sau đó chúc rượu và ăn tết vui vẻ. Trong rộn rã tiếng khèn, điệu hát, lời ca, người già gặp nhau trầm ấm bên chén rượu; thanh niên nam nữ tíu tít hòa mình vào các trò chơi đu quay, đá cầu, trốn tìm, đánh cỏ, chơi cù, đánh má lẹ, kéo co, đu quay, bắn nỏ, hát đối… Người Phù Lá ăn Tết chính trong 3 ngày từ mồng 1 đến mồng 3, nhưng hương sắc mùa xuân, ngày Tết của người Phù Lá tiếp diễn đến ngày 16 tháng giêng họ bắt đầu bước vào lao động sản xuất trong một mùa vụ mới. Với đồng bào Phù Lá, Tết thực sự là ngày hội lớn gắn kết tình cảm cộng đồng, làng xóm mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Nguyễn Kim (Nguồn: Tạp chí Dân tộc - Số 117/2010) [TT: H.T.N]