Tuyên Quang: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể
08:28 AM 13/10/2010 | Lượt xem: 2937 In bài viết |Tuyên Quang là tỉnh miền núi với 22 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần 50%, đã tạo nên những nét sinh hoạt văn hoá đa dạng mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh. Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, trước hết là các giá trị văn hóa phi vật thể, tỉnh đã và đang triển khai các giải pháp bảo tồn, khuyến khích các hoạt động sưu tầm và phổ biến rộng rãi trong đời sống tinh thần của nhân dân.
Lễ hội Lồng tông được tổ chức ngày mùng 8 tháng Giêng hằng năm, mang đậm sắc thái văn hoá của dân tộc Tày. Lễ Cầu mùa của dân tộc Dao được tổ chức vào tháng Giêng hằng năm, không cầu kỳ nhưng mang nhiều yếu tố tâm linh sâu sắc của cả cộng đồng, được tổ chức với ý nghĩa cầu mong một mùa màng bội thu. Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu thần linh phù hộ cho an khang, thịnh vượng cũng như xua đuổi tà ma, bệnh tật, thể hiện sức mạnh phi thường của con người. Lễ Cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt của dân tộc Dao. Đối với người đàn ông dân tộc Dao, sau khi cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành, được làm nghề cúng bái và được giao tiếp với cõi âm…
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XIV, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã xây dựng dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang”, thực hiện đến năm 2015. Sở đã tiến hành khảo sát, tổng điều tra các di sản văn hóa phi vật thể ở các địa phương trong tỉnh, phục dựng lại các lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao Đỏ, xã Bình Phú (Chiêm Hóa); Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Chiêm Hóa); Lễ hội đình làng Minh Cầm, xã Đội Bình (Yên Sơn)… Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch thực hiện các đề tài khoa học nghiên cứu sưu tầm di sản văn hóa dân gian như: “Bảo tồn hát soọng cô dân tộc Sán Dìu ở Tuyên Quang”, “Bảo tồn hát sình ca dân tộc Cao Lan ở Tuyên Quang”, "Nghiên cứu văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn ở Tuyên Quang", "Nghiên cứu những nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống của người dân tộc Dao ở Tuyên Quang"…
Trong những năm gần đây, công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí, các kênh thông tin trong tỉnh cũng được đẩy mạnh. Báo Tuyên Quang có mục “Tuyên Quang - Đất và Người”, “Văn hóa - Văn nghệ”, có nhiều bài viết giới thiệu nét sinh hoạt văn hóa, trang phục, làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đài Phát thanh và Truyền hình Tuyên Quang có các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc; một số chương trình văn nghệ thể hiện bằng loại phim ca nhạc, tái hiện cuộc sống nguyên sơ của đồng bào dân tộc, tạo hiệu quả nghe nhìn đối với công chúng.
Bà Đinh Thị Huyền Trang, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, qua khảo sát, những người biết viết, biết đọc, biết thể hiện các nghi lễ tín ngưỡng của các dân tộc đã cao tuổi, rất hạn chế trong việc duy trì và truyền dạy lớp trẻ, trong khi lớp kế cận ít người tâm huyết với việc này. Ông Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh cho rằng: Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã mở rộng cơ hội giao thương với các nước trên thế giới, giao thoa giữa các nền văn hóa. Theo đó, giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số có nguy cơ bị pha trộn, không còn giữ được bản sắc. Chính vì vậy, việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống, trong đó có văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là một việc làm cấp thiết trong thời kỳ hội nhập. Trong thời gian tới, Sở sẽ tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ nhân dân gian, già làng có công lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục việc nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng cơ sở và nhân dân trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống.
(Nguồn: baomoi.com.vn) [TT: H.T.N]