Thêm những cơ hội cho nông thôn - miền núi

03:42 AM 19/10/2010 |   Lượt xem: 3258 |   In bài viết | 
Tiếp nối sự quan tâm đó, ngày 01/10/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1831/QĐ-TTg, phê duyệt “Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 - 2015”.

Theo đó, mục tiêu chung của dự án được Chính phủ xác định giai đoạn từ nay đến năm 2015, sẽ tổ chức chuyển giao, ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, bảo quản, chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của một số hàng hóa và nông sản trên thị trường trong nước và ngoài nước, phát triển thị trường khoa học và công nghệ ở nông thôn, góp phần xóa đói nghèo, tạo việc làm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư ở nông thôn bằng các giải pháp khoa học và công nghệ. Liên kết và phối hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình kinh tế - xã hội khác lựa chọn và triển khai ứng dụng các công nghệ phù hợp để đúc rút kinh nghiệm, tạo căn cứ thực tiễn cho việc phổ cập các giải pháp công nghệ tiến bộ như một biện pháp để nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn lực của Nhà nước nói riêng và nguồn lực của xã hội nói chung. Đào tạo, bồi dưỡng cho nông dân và cán bộ cơ sở nâng cao năng lực, nhằm giúp các địa phương chủ động tìm kiếm, lựa chọn và triển khai các dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến thích hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đi vào triển khai cụ thể, mục tiều đề ra chuyển giao và ứng dụng ít nhất 900 công nghệ tiên tiến và tiến bộ kỹ thuật mới vào các khâu: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao hiệu quả sản xuất các nông sản và các mặt hàng phải nhập khẩu; phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp; nuôi trồng thủy sản gắn với chế biến, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn; phát triển công nghệ sử dụng năng lượng Mặt trời, năng lượng gió, năng lượng khí sinh học (biogas); ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp, nông thôn và miền núi, hải đảo. Tổ chức đào tạo bồi dưỡng để nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án cho ít nhất 1.000 lượt cán bộ quản lý ở địa phương. Đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho ít nhất 1.800 cán bộ kỹ thuật địa phương và 40.000 nông dân để có một mạng lưới cộng tác viên trực tiếp ở địa phương, những người thường xuyên bám sát địa bàn giúp nông dân tiếp tục triển khai dự án khi cán bộ chuyển giao công nghệ đã rút khỏi địa bàn. Hỗ trợ hình thành ít nhất 60 doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến ở khu vực nông thôn và miền núi, trong đó có ít nhất 25 doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng và triển khai các chuyên đề giới thiệu và phổ biến kiến thức khoa học, tập huấn kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và các địa phương trong cả nước... Kinh phí để thực hiện Chương trình dự kiến là 1.200 tỷ đồng, trong đó từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ Trung ương là 500 tỷ đồng, từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ địa phương là 100 tỷ đồng, còn lại là kinh phí đối ứng từ các nguồn hợp pháp khác.

Như chúng ta đều biết, trên địa bàn Điện Biên nói riêng và địa bàn nông thôn - miền núi nói chung, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, rất nhiều các dự án, các chính sách đã và đang triển khai cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số như các chương trình 134, 135, 167, 30a... Tuy nhiên, có một thực tế là chủ trương chính sách hỗ trợ thì nhiều, nhưng nguồn vốn đầu tư không tương xứng và lắm khi còn dàn trải. Mặt khác, đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, có một thực trạng khi tiếp nhận những sự hỗ trợ của Nhà nước thì việc sử dụng thụ động và mang tư tưởng ỷ lại. Để giúp bà con dân tộc thiểu số có cơ hội thoát nghèo bền vững, cần hướng dẫn họ biết cách để làm sao sử dụng những sự hỗ trợ đó một cách hiệu quả nhất. Cần có cơ chế đầu tư tập trung, không phân tán, ưu tiên nguồn vốn đủ mạnh để đầu tư đến đâu hiệu quả đến đó, trước hết xoá nhanh và bền vững hộ đói nghèo ở các vùng biên giới.

Về lĩnh vực chuyên môn, phải nâng tầm nhận thức rằng đào tạo cán bộ cơ sở là cái gốc của thoát nghèo bền vững. Đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai các dự án cho đội ngũ cán bộ quản lý khoa học và công nghệ địa phương, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và cán bộ thuộc các cơ quan khoa học, những người trực tiếp tham gia chuyển giao công nghệ. Tại nhiều địa bàn nông thôn - miền núi, vấn đề đội ngũ cán bộ công chức tại chỗ còn thiếu và yếu. Đó là một trong những nguyên nhân khiến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước khi triển khai xuống địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ là gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém”; trong thời gian tới Đảng, Nhà nước cần có những chính sách nâng cao công tác đào tạo đội ngũ cán bộ công chức công tác ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Làm tốt công tác này sẽ góp phần xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy công bằng, tiến bộ xã hội, qua đó thu hẹp khoảng cách chênh lệch về đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần giữa các vùng miền và các dân tộc.

Đi đôi với đào tạo cán bộ, phải có kế hoạch dạy nghề cho nông dân. Bởi lẽ, học nghề chính là một trong những động lực cơ bản để giúp đồng bào dân tộc tự vươn lên thoát nghèo. Chìa khóa để mở cửa vào cuộc sống đối với thanh niên các dân tộc, chính là thành thạo một nghề nào đó phù hợp nhất. Việc học nghề sẽ giúp đồng bào các dân tộc, đặc biệt là lớp thanh niên thay đổi những định kiến cũ về tập quán sản xuất, qua đó cải thiện cuộc sống nhanh và vững chắc, chất lượng hơn. Việc đào tạo nghề nên chú trọng tới nhu cầu của người dân, của doanh nghiệp, theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nên có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trực tiếp tham gia, thu hút lao động và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ thuật lao động cho đồng bào dân tộc thiểu số, bổ sung cho các trung tâm dạy nghề chức năng giới thiệu việc làm cho các học viên sau học nghề. Đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho nông dân để tạo mạng lưới cán bộ kỹ thuật và cộng tác viên trực tiếp ở địa phương tiếp tục nhân rộng và phổ cập các kết quả của Chương trình, khi cán bộ chuyển giao công nghệ rút khỏi địa bàn.

Để giúp địa bàn nông thôn - miền núi có cuộc sống ổn định, cần có nhiều chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát huy những nguồn lực, thế mạnh của từng địa phương. Như vùng đồng bào vùng cao, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách phát triển nông, lâm nghiệp. Bà con dân tộc thiểu số cần được giúp đỡ, tư vấn về việc lựa chọn cây con sản xuất có ưu thế để có thể hình thành vùng hàng hóa tập trung, phát huy được tối đa thế mạnh của từng vùng. Bên cạnh đó, các cơ quan khoa học, cơ quan khuyến nông của bộ, ngành, tỉnh, huyện nên quan tâm giúp đỡ trực tiếp cho người dân bằng cách xây dựng và thực hiện các mô hình liên kết nông nghiệp, vườn - ao - chuồng - rừng phát huy lợi thế tại chỗ. Người dân cần được đào tạo xây dựng nghề rừng để có thể từng bước quản lý rừng, được hưởng lợi và từng bước thoát nghèo trên chính mảnh đất ông cha để lại.

Vào thời điểm này chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2010, cũng tức là kết thúc kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XI. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do những tác động của tình hình suy giảm kinh tế chung, song Đảng bộ Điện Biên tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, điều hành sâu sát, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua thách thức về thiên tai, dịch bệnh, đưa ngành sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà lên một tầm cao mới. Thành tựu của lĩnh vực thế mạnh nông nghiệp, đương nhiên góp phần tạo những tiền đề quan trọng cho tỉnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn các mặt KT - VH - XH, QP - AN, dâng lên Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI...

Theo www.baodienbienphu.com.vn