Nguồn vốn 30a tạo sức bật cho các huyện nghèo

02:35 AM 01/11/2010 |   Lượt xem: 3140 |   In bài viết | 

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, giúp sức của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế thì các huyện nghèo cũng cần tận dụng tối đa cơ hội này để thực sự thoát nghèo bền vững.

Cơ hội vàng cho huyện nghèo

Trong số 62 huyện nghèo của cả nước có tỷ lệ hộ nghèo từ 50% trở lên, 4 huyện: Điện Biên Đông, Mường Nhé, Tủa Chùa, Mường Ảng của tỉnh Điện Biên được thụ hưởng chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, 4 huyện nghèo trong tỉnh đã nhận được sự giúp đỡ, tài trợ của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp. Mường Ảng và Tủa Chùa được coi là may mắn khi Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank Việt Nam) “mạnh tay” hỗ trợ 160 tỷ đồng để giảm nghèo nhanh và bền vững.

Xác định muốn xóa nghèo nhanh và bền vững thì trước hết phải ổn định chỗ ở cho dân. Cùng thời điểm đó, chính sách về hỗ trợ xóa nhà dột nát cho người nghèo theo Quyết định 167 của Chính phủ cũng ra đời. Vì vậy, tất cả các huyện nghèo đều bắt tay vào thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm cho người nghèo. Qua thống kê, rà soát, toàn tỉnh có 13.337 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 167. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nguồn vốn vay ưu đãi và sự tài trợ của các tập đoàn kinh tế, đến nay toàn tỉnh đã hoàn thành 10.639 ngôi nhà, đạt xấp xỉ 80%. Trong đó, Mường Ảng và Tủa Chùa là hai trong bốn huyện của tỉnh hoàn thành sớm nhất việc hỗ trợ nhà ở. Cả hai huyện có 2.425 hộ được xét duyệt hỗ trợ nhà ở thì đến nay đã hoàn thành 2.406 ngôi nhà, đạt tới 99,2% kế hoạch. Kết quả này cũng một phần từ sự tài trợ của Agribank Việt Nam (hỗ trợ 15 triệu đồng/nhà) và sự chung tay góp sức của bà con địa phương.

Tận dụng cơ hội vàng từ Nghị quyết 30a, song hành cùng việc hỗ trợ xóa nhà tạm, các huyện nghèo triển khai xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, đáp ứng nhu cầu và cải thiện điều kiện sinh sống của người dân. Ngay khi triển khai Nghị quyết 30a, tỉnh đã tạm ứng kinh phí, phân bổ cho mỗi huyện 25 tỷ đồng triển khai đầu tư các công trình. Với riêng Mường Ảng và Tủa Chùa, trên cơ sở Đề án được phê duyệt, Agribank Việt Nam đã hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà nội trú cho học sinh, trạm y tế xã và trường học. Với 329 phòng ở nội trú, 7 trạm y tế xã và 8 trường học ở Mường Ảng, Tủa Chùa được Agribank Việt Nam đầu tư xây dựng đã và đang mở ra những điều kiện thuận lợi để cải thiện, nâng cao đời sống người dân ở hai huyện nghèo.

Mỗi ngôi nhà, mỗi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần thiết thực cải thiện cuộc sống cho người dân và là động lực để các huyện nghèo phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững.

Trăn trở xóa nghèo bền vững

Sau một năm thực hiện Nghị quyết 30a về xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, UBND tỉnh đánh giá đã giảm được hơn 4% tỷ lệ hộ nghèo tại 4 huyện nghèo của tỉnh (từ 57,5% đầu năm 2009 còn 53,37%). Kết quả này cho thấy, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đã phát huy hiệu quả, là nguồn lực to lớn giúp người nghèo vươn lên.

Nguồn vốn từ Nghị quyết 30a dành cho các huyện nghèo rất lớn, là cơ hội cải thiện đời sống người dân, là động lực phát triển kinh tế cho các huyện. Hiệu quả bước đầu đã thấy rõ song chính quyền và cả các nhà tài trợ đều có sự trăn trở làm sao để xóa nghèo bền vững. Thực tế, nguồn vốn cả hỗ trợ của Nhà nước và tài trợ của doanh nghiệp đều lớn nhưng tiến độ giải ngân xây dựng các công trình tại các huyện nghèo vẫn còn chậm. Việc lồng ghép các nguồn vốn chưa kịp thời, năng lực đội ngũ cán bộ yếu nên lúng túng trong việc triển khai thực hiện. Do đó, nhiều công trình mặc dù đã được phê duyệt đầu tư song vẫn chưa triển khai.

Từ nguồn vốn 160 tỷ đồng hỗ trợ cho Mường Ảng và Tủa Chùa, đến hết tháng 9/2010 Agribank Việt Nam đã giải ngân 85,5 tỷ đồng song tập trung chủ yếu cho việc hỗ trợ xóa nhà tạm và xây dựng nhà ở nội trú cho học sinh. Trạm y tế xã là công trình thiết thực để chăm sóc sức khỏe người dân ở cơ sở, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, trong số 7 trạm y tế trên địa bàn hai huyện Mường Ảng và Tủa Chùa đã được Agribank Việt Nam đồng ý đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa công trình nào được xây dựng. Trong khi đó, nguồn vốn hỗ trợ được doanh nghiệp thực hiện giải ngân trong hai năm. Việc chậm triển khai, chậm đưa công trình vào sử dụng đều khiến người dân thiệt thòi; đặc biệt là khi không giải ngân được, nguồn vốn sẽ bị điều chuyển.

Việc hỗ trợ xóa nhà tạm cho người dân vốn được coi là giải pháp an cư lạc nghiệp song đây cũng chỉ là cách cho người dân “con cá”. Trong khi đó, để xóa nghèo bền vững phải quan tâm tới việc cho người dân “cần câu” và “hướng dẫn cách câu”. Trong chương trình 30a thì đó là các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực song việc triển khai các chính sách này còn chậm và nhiều lúng túng. Có một thực tế không thể không đề cập, đó là một số hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở do hoàn cảnh quá khó khăn, gia đình có người mắc tệ nạn hoặc vay nợ trước đó mà ngôi nhà vừa được hỗ trợ đã trở thành “đồ xiết nợ”. Đây cũng là một trong những trăn trở của cả chính quyền địa phương và các nhà tài trợ trong việc giúp người dân xóa nghèo bền vững.

Biến thách thức thành động lực

Nghị quyết 30a là cơ hội lớn cho người nghèo, huyện nghèo song đi cùng với đó là thách thức, đặc biệt là trình độ, năng lực cán bộ cơ sở trong việc triển khai thực hiện Đề án.

Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nghị quyết 30a thì hàng năm các huyện nghèo cũng nhận được nguồn vốn đầu tư không nhỏ từ các chương trình, dự án khác. Và việc phối hợp, sử dụng lồng ghép các nguồn vốn ra sao, đầu tư công trình, dự án nào cho hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân lại phụ thuộc vào từng cơ sở. Thách thức nữa là tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân vào sự hỗ trợ của cấp trên, của doanh nghiệp.

Do đó, các huyện nghèo phải biết biến thách thức thành động lực thì việc xóa đói giảm nghèo mới thực sự bền vững. Để thực hiện được mục tiêu này, các địa phương phải đảm bảo đời sống người dân, giúp người nghèo tận dụng cơ hội từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự trợ giúp của doanh nghiệp và cộng đồng vươn lên thoát nghèo. Cùng với việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì cán bộ cơ sở ở các huyện nghèo cũng cần được cầm tay chỉ việc, luân chuyển cán bộ từ cấp trên để việc triển khai các chương trình, dự án làm đến đâu hiệu quả đến đó. Đây cũng chính là một giải pháp quan trọng để “tập trung xóa đói giảm nghèo, đưa Điện Biên ra khỏi tình trạng kém phát triển” như dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra.

Theo www.baodienbienphu.com.vn