Hỗ trợ bình đẳng giới vùng dân tộc và miền núi

03:32 AM 11/11/2010 |   Lượt xem: 3124 |   In bài viết | 
 

Theo dự thảo Đề án, thực hiện Luật Bình đẳng giới, phần lớn các tỉnh vùng dân tộc, miền núi đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết chương trình hành động, kiện toàn một bước về tổ chức, bộ máy công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và công tác bình đẳng giới, đồng thời thường xuyên mở các lớp tuyên truyền phổ biến về Luật Bình đẳng giới... Trong những năm qua, công tác bình đẳng giới đã được các cấp ủy và chính quyền các cấp vùng dân tộc miền núi quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhận thức về bình đẳng giới ngày càng được nâng lên, vị trí vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, tư tưởng, định kiến về giới và bình đẳng giới đang dần được xóa bỏ. Qua đó, tỷ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội tăng lên, tỷ lệ nữ giới là người DTTS tham gia lĩnh vực chính trị tăng từ 4 – 6% (riêng vùng Đông Bắc đạt tỷ lệ 16 – 22%). Tỷ lệ phụ nữ vùng sâu, vùng xa có việc làm được nâng lên đáng kể, điển hình như huyện Đức Cơ, Gia Lai đạt 47%. Trong lĩnh vực y tế, phụ nữ được hưởng thụ các dịch vụ y tế cũng tăng dần qua từng năm, tỷ lệ chị em khám thai từ 3 lần trở lên vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đạt 60 -70%, vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 95%. Nhiều nơi đã triển khai công tác tuyên truyền bình đẳng giới lồng ghép với một số chương trình phổ biến pháp luật như câu lạc bộ phụ nữ - pháp luật, phụ nữ không sinh con thứ 3, phụ nữ không có tệ nạn xã hội.

Tuy đã đạt được một số kết qua bước đầu đáng khích lệ, nhưng thực tế triển khai luật, các chính sách về giới và bình đẳng giới, đặc biệt là các hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều bất cập do việc triển khai còn chậm và thiếu đồng bộ, đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn, công tác giáo dục tuyên truyền chưa được triển khai sâu rộng, các hoạt động và hình thức chưa phù hợp với đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa. Qua tổng hợp báo cáo cho thấy trong lĩnh vực chính trị hầu hết nam giới giữ vị trí lãnh đạo; trong giáo dục và đào tạo thì tỷ lệ phụ nữ ở độ tuổi 15 -40 không biết đọc, biết viết cao: vùng Trung du miền núi phía Bắc là 24,4%; vùng Tây Nguyên 29,1%; vùng Nam Bộ 19%.

Phạm vi thực hiện đề án gồm 12.626 thôn bản đặc biệt khó khăn, thuộc 1.848 xã, ở 372 huyện của 50 tỉnh. Được thực hiện trong 5 năm (2011 -2015), chia làm 2 giai đoạn (2011 – 2012 và 2013 – 2015), sau mỗi giai đoạn sẽ có đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm bổ sung cho phù hợp và xây dựng chính sách tiếp theo. Mục tiêu là đến hết năm 2015: 80% cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị cơ sở được tập huấn về Luật Bình đẳng giới; trên 50% số xã, thôn, bản có các hình thức tuyên truyền đặc thù; 100% các trường dân tộc nội trú, bán trú dân nuôi và các trường học trên địa bàn được tuyên truyền giáo dục về bình đẳng giới...

Trong hội thảo, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp để xây dựng đề án cần đưa ra mục tiêu thực hiện sát với tình hình thực tế; lấy đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ thôn, bản làm hạt nhân trong công tác tuyên truyền, triển khai các hoạt động, vì vậy cần có những khóa tập huấn giúp họ nắm được các kiến thức để truyền đạt cho người dân...

Tại Hội thảo, Phó chủ nhiệm UBDT Bế Trường Thành khẳng định, theo Nghị định số 48/2009/NĐ-CP của Chính phủ thì đây là việc xây dựng chính sách hỗ trợ với phạm vi tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nếu tiếp cận theo hướng xây dựng đề án, phải làm công tác điều tra khảo sát đánh giá cụ thể về bình đẳng giới tại các vùng nói trên với các vùng khác và đề xuất các chính sách cụ thể, tiến hành triển khai chính sách trên các mô hình điểm để rút kinh nghiệm. Phó chủ nhiệm cũng yêu cầu Ban soạn thảo khi xây dựng phải đưa ra một số chính sách có thời gian thực hiện đủ dài, mang tính chiến lược cho vùng đặc biệt khó khăn. Các nội dung triển khai phải phân rõ nội dung nào UBDT chủ trì, nội dung nào UBDT phối hợp.

Theo VOV