Bắc Cạn có nhiều hình thức trợ giúp pháp luật phù hợp

04:04 AM 15/06/2011 |   Lượt xem: 3516 |   In bài viết | 
Theo cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Bắc Cạn vào thôn Khe Thỉ II, xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới, chúng tôi mới cảm nhận hết những khó khăn trong việc đi lại với mong muốn tuyên truyền, tư vấn pháp luật thật nhiều cho đồng bào dân tộc thiểu số của đội ngũ cán bộ tư pháp làm công tác tuyên truyền pháp luật trên địa bàn tỉnh. Những chuyến đi tuyên truyền, tư vấn pháp luật miễn phí lưu động, Trung tâm Trợ giúp pháp lý phải thuê lái xe và ô-tô. Ðến xã Nông Hạ phải mua rau, thịt lợn, gạo, vào Khe Thỉ II nhờ nhà dân để nấu ăn. Ðây là một thôn vùng xa hẻo lánh, có gần 50 hộ đồng bào dân tộc Sán Chay, hơn một nửa là hộ nghèo, trình độ dân trí còn thấp, nhiều người chưa nói thành thạo tiếng phổ thông. Mặc dù tuyến đường từ trung tâm xã Nông Hạ vào thôn đã được mở mới, nhưng là đường đất, đã bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn lái xe yêu cầu chúng tôi phải xuống đi bộ để xe không bị chạm gầm khi vượt qua những 'ổ trâu, ổ voi'. Vào đến thôn kể lại chuyện này, đồng bào trong thôn nói, có đường mà đi là tốt lắm rồi, trước kia chưa có đường chúng tôi toàn phải đi bộ dọc suối để ra trung tâm xã, nông sản làm ra không bán được. Buổi tuyên truyền, trợ giúp pháp lý hôm ấy thu hút đông đảo đồng bào Sán Chay trong thôn đến nghe, có gia đình cả hai vợ chồng đều đi dự. Bà con rất hào hứng lắng nghe những nội dung chủ yếu của các luật: Hôn nhân và gia đình; Bình đẳng giới; Khiếu nại, tố cáo; Giao thông đường bộ,... Khi tuyên truyền đến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, chúng tôi thấy một người vợ ngồi bên cạnh thì thầm với chồng: 'Từ giờ trở đi mình đánh tôi là phạm luật đấy'. Sang phần tư vấn pháp luật, nhiều người hỏi về thủ tục đăng ký kết hôn, làm giấy khai sinh cho con, việc bình xét hộ nghèo; chế độ, chính sách đang thực hiện tại thôn, những vụ việc liên quan đến đời sống của bà con... đều được giải đáp cụ thể, dễ nghe. Ðiều đó cho thấy hiểu biết về pháp luật của bà con ở đây rất hạn chế. Bí thư Chi bộ Khe Thỉ II tâm sự: 'Hơn một nửa số hộ ở đây thuộc diện nghèo, số hộ có ti-vi, ra-đi-ô chưa nhiều, trừ Báo Bắc Cạn được phát đến Bí thư chi bộ và Trưởng thôn thì ở đây không có một tờ báo nào, do đó nhân dân rất 'đói' văn hóa, bà con 'mù mờ' về mặt pháp luật nên những cuộc trợ giúp pháp lý lưu động như thế này là rất cần thiết để cải thiện nhận thức về pháp luật cho bà con'.  

Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Bắc Cạn Hà Thị Huệ cho biết: 'Hằng năm, chúng tôi đều xây dựng chương trình tuyên truyền lưu động và tư vấn pháp luật miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn đặc biệt khó khăn'. Ðể tư vấn pháp luật thường xuyên cho nhân dân, đến nay tỉnh Bắc Cạn đã xây dựng được đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã có trình độ trung cấp trở lên. Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã xây dựng được đội ngũ trợ giúp viên, cộng tác viên đông đảo, với tổng số 590 người. Ðội ngũ này thường xuyên được tập huấn các luật liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân như: Luật Ðất đai, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Giao thông đường bộ, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Trợ giúp pháp lý. Tất cả 71 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã thành lập được câu lạc bộ trợ giúp pháp lý sinh hoạt thường xuyên theo điều lệ đã ban hành. Các câu lạc bộ tổ chức nhiều buổi lồng ghép tuyên truyền pháp luật cho hội viên của các đoàn thể; trong các buổi sinh hoạt, những vướng mắc đơn giản về pháp luật được giải đáp kịp thời, nên  đã góp phần ổn định an ninh trật tự ở địa bàn.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh chọn cán bộ có năng lực, tâm huyết, phẩm chất đạo đức tốt thường trực tiếp, nhận đơn thư yêu cầu trợ giúp pháp lý của công dân. Tất cả các vụ việc được yêu cầu đều được tư vấn, hướng dẫn, trợ giúp theo đúng trình tự, góp phần giải tỏa những vướng mắc, tranh chấp liên quan đến pháp luật nên thời gian vừa qua tình trạng khiếu kiện đông người, đơn thư vượt cấp của công dân trên địa bàn tỉnh hầu như không có.

Nhằm tăng cường tuyên truyền, đa dạng các hình thức phổ biến pháp luật phù hợp với tình hình thực tế, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài việc tuyên truyền, tư vấn pháp luật lưu động, miễn phí, tiếp công dân, Sở Tư pháp Bắc Cạn còn in ấn và cấp phát băng đĩa ghi âm, tài liệu bằng tiếng Tày cho nhân dân, duy trì chuyên mục hỏi- đáp về pháp luật trên Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Bài và ảnh : Thế Bình (Nguồn: Báo Nhân dân)