Nghị quyết 30a, "cú hích" thay đổi bộ mặt xã nghèo xứ Nghệ

01:51 AM 27/06/2011 |   Lượt xem: 3714 |   In bài viết | 
Tạo sức bật cho các xã nghèo

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngay từ đầu tháng 3/2009, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị triển khai nhằm phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước.

Nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về chủ trương, chính sách rất thiết thực và giàu tính nhân văn này, công tác tuyên truyền, phổ biến về công tác xoá đói giảm nghèo đã được quan tâm và tiến hành thường xuyên, tạo được sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Được biết, tổng nhu cầu vốn thực hiện Nghị quyết 30a theo đề án đã được phê duyệt thực hiện từ năm 2009-2020 của 3 huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 13.588,7 tỷ đồng, trong đó Kỳ Sơn 5.182,9 tỷ đồng, Tương Dương 4.690,9 tỷ đồng, Quế Phong 3.715,0 tỷ đồng.

Ngoài việc tổ chức xây dựng và phê duyệt đề án tổng thể giảm nghèo nhanh và bền vững, các huyện cũng tiến hành xây dựng đề án thành phần để thực hiện các chính sách theo Nghị quyết 30a như: Hỗ trợ giảm nghèo bằng nguồn vốn của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam năm 2009-2010 của huyện Kỳ Sơn; dạy nghề cho lao động nông thôn; tăng cường cán bộ cho xã và thu hút trí thức trẻ; quy hoạch phát triển nông, lâm, ngư nghiệp...

Trong 2 năm (2009-2010), tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Nghị quyết 30a trên địa bàn 3 huyện đạt 835.257 triệu đồng. Số vốn trên đã góp phần thay đổi đời sống của những người dân nghèo vùng sơn cước. Những ngôi nhà ẩm thấp, dột nát lần lượt được thay thế bằng những mái nhà vững chãi, kiên cố. Theo thống kê, tổng số nhà mà 3 huyện đã xây dựng được là 6.948/7.355 nhà, đạt trên 94,5% nhu cầu về nhà ở. Trong đó Kỳ Sơn xây dựng được 2.252/2.328 nhà, đạt 96,8% nhu cầu; Tương Dương 2.023/2.112 nhà, đạt 95,8%; Quế Phong 2.673/2.915 nhà, đạt 91,7%. Điều đáng ghi nhận là, từ chương trình này, nhận thức của người dân cũng từng bước thay đổi; đồng bào có nhà ở ổn định, thay vì du canh du cư, đã biết trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi để cải thiện cuộc sống.

Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng cũng được thực hiện hiệu quả. Với số vốn đầu tư 135 tỷ đồng (45 tỷ đồng/huyện), các huyện đã triển khai xây dựng 35 công trình gồm: đường giao thông, các công trình thuỷ lợi, nước sinh hoạt, điện, trạm y tế, trường học, cầu cống..., trong đó Kỳ Sơn đã thực hiện 13 công trình, Tương Dương 8 công trình, Quế Phong 14 công trình. Chính sách ưu đãi, thu hút trí thức trẻ, luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt cho các xã thuộc các huyện nghèo được chú trọng. Với số vốn thực hiện là 4.019,6 triệu đồng, 3 huyện đã thu hút được 162 trí thức trẻ về làm việc tại các xã, góp phần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức, phát triển nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Không những đảm bảo nơi ăn, chốn ở, Nghị quyết 30a còn hỗ trợ đồng bào nghèo xứ Nghệ về lương thực, thực phẩm. Theo đó, 3 huyện đã mua, cấp gần 1.000 tấn gạo với kinh phí 12.596,7 triệu đồng để hỗ trợ cho 2.694 hộ nghèo với 15.043 khẩu, đặc biệt ưu tiên cho những gia đình ở các thôn, bản giáp biên giới thường xuyên thiếu đói trong những tháng giáp hạt.

Chính sách dạy nghề và xuất khẩu lao động cũng đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Hai năm qua, các địa phương đã tổ chức cho 1.200 người trong độ tuổi lao động đi học nghề tại các trung tâm dạy nghề, trong đó số lao động thuộc diện hộ nghèo chiếm trên 60%; đã có trên 250 lao động đi xuất khẩu lao động.

Ngoài ra, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về quỹ đất, song chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, khoán chăm sóc, bảo vệ rừng tại 3 huyện cũng bước đầu phát huy hiệu quả. Các huyện đã hỗ trợ 34.588 triệu đồng cho nông dân mua giống gia súc, làm chuồng trại, hỗ trợ khai hoang, phục hoá đất sản xuất, bảo vệ rừng ngoài dự án 661, tiêm phòng cho gia súc, gia cầm...

Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Nguyễn Hồ Cảnh cho biết: "Huyện có 18 xã, thị trấn thì có tới 17 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Sau khi có Nghị quyết 30a, UBND huyện đã sáp nhập các ban chỉ đạo cấp huyện về thực hiện Nghị quyết 30a, Chương trình 134, 135 và dự án xây dựng nông thôn mới thành một ban chỉ đạo chung, gọi là Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình dự án trên địa bàn huyện. Trong 2 năm, huyện đã huy động được 43 tỷ đồng của 2 doanh nghiệp là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Ngân hàng cổ phần Thương mại Ngoại thương Việt Nam xây 1 cầu dân sinh, 3 trường học và 5 trạm y tế; lồng ghép vốn từ nhiều chương trình dự án để đầu tư xây dựng, hỗ trợ làm mới 2.023 ngôi nhà theo Quyết định 167; hoàn thiện 15km đường giao thông; 14km đường điện; hỗ trợ khai hoang, phục hóa 41,3ha đất, hỗ trợ 889 con trâu, bò; 2.820 hộ được hỗ trợ tiền làm chuồng trâu, bò và cấp 290 tấn gạo cho hộ nghèo ở các bản vùng giáp biên giới. Nhờ những việc làm đó mà đời sống bà con ở các xã nghèo đã dần được cải thiện".

Nỗ lực hơn nữa

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015, Nghệ An đặt ra 6 chỉ tiêu cụ thể, phấn đấu thực hiện được sớm nhất trong thời gian tới, đó là: Giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015) tại các huyện nghèo bình quân từ 4 - 5%/năm; phấn đấu 100% hộ nghèo được hưởng các chính sách về khoán chăm sóc, bảo vệ, giao đất, giao rừng, khuyến nông, khuyến lâm và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; 100% hộ nghèo ở khu vực giáp biên giới và hộ nghèo được hỗ trợ lương thực theo quy định; tổ chức thực hiện tốt các chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động, đưa 250 - 300 người đi xuất khẩu lao động mỗi năm; hàng năm tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho 2.500 - 3.000 lao động và 100 % lao động thuộc hộ nghèo được tham gia học nghề miễn phí. Phấn đấu 50% số xã thuộc 3 huyện nghèo có đầy đủ các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới...

Ông Bùi Nguyên Lân, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An cho biết: "Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, các cấp lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp của các doanh nghiệp và sự điều hành tích cực của Ban chỉ đạo từ tỉnh đến các huyện, xã, qua 2 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 30a đã mang lại sự thay đổi tích cực về kết cấu hạ tầng nông thôn và các điều kiện phát triển sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, nhờ đó nhiều gia đình đã có thêm việc làm, tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo. Trong đó, nhiều nội dung quan trọng đã được triển khai và đạt kết quả cao, trong đó có việc ngành đã sớm hoàn thành xây dựng và phê duyệt Đề án tổng thể giảm nghèo của 3 huyện, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện cho cả giai đoạn 2009 - 2020".

Hy vọng trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An sẽ làm tốt hơn nữa trọng trách của mình để Nghệ An sớm trở thành tỉnh điển hình trong cả nước thực hiện tốt chương trình xoá đói giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a.

Xuân Thao - Hải Yến (Nguồn: kinhtenongthon)