Giải quyết chất đốt cho đồng bào vùng cao nguyên đá đi đôi với công tác bảo vệ và phát triển rừng là việc làm cấp bách hiện nay ở Hà Giang

04:35 AM 27/09/2011 |   Lượt xem: 3084 |   In bài viết | 

Được tận mắt chứng kiến việc sử dụng chất đốt của đồng bào nơi đây, nhất là vào những ngày đông lạnh giá chúng ta mới hiểu được những khó khăn, vất vả của họ. Nhiều gia đình chỉ sử dụng thân cây ngô, thân cây đậu tương và cỏ phơi khô để nấu ăn hằng ngày. Đối với những hộ dân đun nấu bằng củi thì bếp được kê bằng 3 hòn đá hoặc gạch nên hiệu suất thấp, còn gây tốn củi. Người dân chưa có điều kiện kinh tế để dùng các loại chất đốt khác như gas, than, điện để nấu ăn; củi đốt còn là nguồn sưởi ấm vào mùa đông lạnh giá.

Theo tính toán của ngành chuyên môn, nếu mức tiêu thụ củi của mỗi người dân khoảng 2 kg củi/ngày thì với dân số như hiện nay của 4 huyện vùng cao nguyên đá sẽ phải sử dụng trên 200 nghìn mét khối củi/năm, số củi này tương đương với 2.235 ha rừng tái sinh. Xuất phát từ thực tiễn đó, trong thời gian tới, tỉnh Hà Giang sẽ triển khai hỗ trợ cho 5.386 hộ gia đình của 4 huyện vùng cao nguyên đá đang sử dụng củi chuyển sang sử dụng chất đốt thay thế như than không mùi, Biogas, củi trấu, bếp đun củi cải tiến…từ nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư phát triển rừng.

Theo tính toán của cơ quan chức năng, việc sử dụng hình thức đun nấu này sẽ có khoảng 5.186 hộ gia đình được sử dụng than không mùi để đun nấu, 200 hộ gia đình được sử dụng hầm Biogas và 8.970 hộ sử dụng các dạng năng lượng thay thế khác. Số hộ sử dụng bếp cải tiến (thay thế các loại bếp đun củi thông thường hiệu suất thấp) để đun nấu thường xuyên là 30.494 hộ bằng 106.850 m3 củi/năm, tương đương 1.187 ha rừng tái sinh. So với tình trạng sử dụng củi hằng năm như hiện nay sẽ giảm được 1.048 ha rừng bị chặt phá để làm chất đốt. Từ đó góp phần nâng cao độ che phủ của rừng, phát huy chức năng phòng hộ, hạn chế xói mòn và rửa trôi đất, hạn chế tình trạng lũ quét và duy trì được nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất trên vùng cao nguyên đá được mệnh danh là vùng đất khát của Hà Giang.

Phạm Văn Phú